Vụ hơn 300 học sinh trường múa 'chết đứng': Trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
Vụ hơn 300 học sinh trường múa 'chết đứng': Trách nhiệm thuộc về ai?
TPO - Dù đã được Bộ GD&ĐT “gỡ vướng” một phần, nhưng việc giải quyết từ vụ 325 học sinh kêu cứu đã cho thấy những vấn đề bất cập tại Học viện Múa Việt Nam.

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 31/3, hơn 300 phụ huynh có con học tại HVMVN từ năm 2013 đến nay đã kêu cứu với các cơ quan truyền thông vì sau 4-6 năm học, con họ ra trường trong tình trạng 3 không: không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT và không bằng tốt nghiệp chuyên môn.

Sáng 1/4, lãnh đạo HVMVN đã làm việc với Bộ VHTTDL để báo cáo tình hình và nêu phương án giải quyết. Chiều cũng ngày, PGS.TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL ký văn bản số 1016 gửi Bộ GD&ĐT về tháo gỡ vướng mắc trong công tác đào tạo, cấp bằng tốt nghiệp tại Học viện Múa Việt Nam. Để đảm bảo quyền lợi cho người học, Bộ VHTTL đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, cho phép Học viện Múa Việt Nam: Cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp cho học sinh đã hoàn thành Chương trình đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp và đạt kết quả theo quy định tại kỳ thi chuyển giai đoạn của Học viện. Cấp Giấy chứng nhận hoàn thành các môn văn hoá THPT trong Chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành Múa (Theo Quyết định số 92/2004/QĐ-BVHTT ngày 01/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin) cho học sinh đã hoàn thành chương trình đào tạo tại Học viện Múa Việt Nam. Tối cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời đồng ý với 2 đề xuất mà Bộ VHTTDL đưa ra.

Tuy vậy, hơn 300 phụ huynh vẫn chưa hết lo lắng vì đề xuất của Bộ VHTTDL mới chỉ gỡ vướng được 1 không (không bằng trung cấp), con em họ vẫn trong tình trạng 2 không: không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT. Nếu không có bằng văn hoá, phụ huynh lo lắng con họ không thể tham gia tuyển sinh ĐH cũng như rẽ ngang sang học chương trình văn hoá bình thường.

Liên quan đến vụ việc, Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam (HVMVN), ông Trần Văn Hải lí giải từ năm 2012 - 2013, trường mở thêm hệ đào tạo bậc Cao đẳng diễn viên. Nhà trường đã xây dựng đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Theo đó, Nhà trường được lựa chọn phương án tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo đặc thù của nghệ thuật Múa, tuyển sinh và đào tạo diễn viên từ 12 đến 13 tuổi. Chương trình đào tạo đặc thù, liên thông, tích hợp trình độ Trung cấp (giai đoạn 1) và Cao đẳng (giai đoạn 2). Trong quá trình tổ chức đào tạo, Nhà trường đã tổ chức thi chuyển giai đoạn và cho các em tiếp tục học chương trình cao đẳng và cấp bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Hải thừa nhận có phần lỗi kỹ thuật khi thực hiện. Đó là Học viện “quên” không đăng ký đầu vào với Bộ GD&ĐT hệ trung cấp mà chỉ đăng ký đầu vào là hệ cao đẳng. Thế nên khi học hết giai đoạn 1, dù vẫn phải thi tốt nghiệp trung cấp để chuyển lên học cao đẳng nhưng không thể có bằng trung cấp vì không đăng ký nên HVMVN không có quyền cấp bằng trung cấp cho học viên.

Đây là lý do dẫn đến việc 273 học sinh đã hoàn thành chương trình trung cấp chuyên nghiệp tại Trường nhưng chưa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.

Hai Bộ đứng ở đâu?

Tuy nhiên phải thấy rằng, khi Bộ GD&ĐT đã cởi trói khi đồng ý đề xuất cấp bằng tốt nghiệp trung cấp và chứng nhận hoàn thành các môn văn hoá nhưng đó mới chỉ là chuyện bằng tốt nghiệp trung cấp. Còn thực tế bằng tốt nghiệp THCS, THPT thì lại là vấn đề khác.

Hiện nay HVMVN đang chịu sự quản lý của 3 bộ: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Điều này đồng nghĩa với việc Bộ VHTTDL là cơ quan chủ quản, Bộ LĐTBXH quản lý về mặt Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT quản lý chất lượng giảng dạy văn hóa.

Thế nhưng, bất chấp việc có tới 3 bộ quản lý thì vẫn không thể giải quyết được việc cấp bằng THCS, THPT cho 325 học sinh của HVMVN (trong đó có 20 học sinh đã tốt nghiệp, 305 học sinh chờ tốt nghiệp).

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng học sinh "bỗng dưng" không được cấp bằng được các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chỉ ra là do có những thay đổi trong Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.

Cụ thể, trước năm 2018, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).

Học sinh sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) cũng được tham dự kỳ thi đại học.

Tuy nhiên kể từ năm 2019, Luật giáo dục sửa đổi bổ sung yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) để chỉ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học.

Theo phân tích ở trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc thêm văn hóa cho học sinh của mình, chứ không được tổ chức dạy văn hóa như trước.

Chính điều này đã khiến cho HVMVN (đơn vị giáo dục nghề nghiệp) không được tiếp tục dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và đương nhiên học sinh trường cũng không được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để cấp bằng.

Điều đáng nói, không chỉ không được đào tạo văn hóa, cấp bằng tốt nghiệp THPT, 325 học sinh này còn không được cấp cả bằng THCS. Trong khi cả nước có chủ trương phổ cập THCS.

Về vấn đề này, lý do trường trả lời với ban phụ huynh sau nhiều lần gặp gỡ là do trường không làm việc được với Phòng Giáo dục (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) để cấp mã định danh cho học sinh. Vì thế, các em đã mất toàn bộ quyền lợi để được xét công nhận tốt nghiệp THCS và trường cũng không liên kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn để dạy văn hóa (7 môn) khiến cho các em không thể dự thi kỳ thi THPT quốc gia nhận bằng tốt nghiệp THPT.

Chính vì điều này, dù trường có tổ chức dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho 325 học sinh, sinh viên thì giấy tờ này cũng không có giá trị pháp lý.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy (phụ huynh có con học hệ cao đẳng múa hệ 6,5 năm HVMVN) cho rằng, chính vì sự tắc trách của nhà trường khiến cho các con không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Không có 2 bằng này, dù các con có hoàn thành khối lượng kiến thức chuyên môn, chuyên ngành múa thì các con cũng không đủ điều kiện để được cấp bằng trung cấp hay cao đẳng.

Câu chuyện của Học viện Múa không phải chỉ trách nhiệm của ban lãnh đạo trường. Quan trọng hơn đó là trách nhiệm của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Không phải đến giờ, phụ huynh mới kêu cứu. Từ năm 2020, phụ huynh gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng mọi hy vọng của phụ huynh là câu trả lời tiếp tục chờ đợi từ phía HVMVN.

Điều khó hiểu hơn, cùng hệ thống các trường thuộc Bộ VHTTDL, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ không mắc phải sai sót như trên. Tại sao Bộ VHTTDL lại để sự việc tại HVMVN âm ỉ, làm không đúng luật từ năm 2012 đến nay? Học viên tại Học viện âm nhạc hằng năm vẫn được cấp bằng THPT của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh trường Xiếc vẫn có bằng THCS do Phòng GD&ĐT Cầu Giấy cấp. Còn tại HVMVN, sau 4-6 năm học, học viên ra trường tay trắng 3 không: không bằng THCS, bằng THPT, bằng chuyên môn. Thiết nghĩ, trách nhiệm này không chỉ có ban giám đốc HVMVN mà là cơ quan chủ quản, Bộ VHTTDL không thể không biết những tồn tại này.

Về phía Bộ GD&ĐT, tháng 7/2020, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển nội dung vụ việc yêu cầu Bộ này phối hợp cùng Bộ VHTTDL giải quyết. Thế nhưng phải đến 9 tháng sau, ngày 31/3, khi hơn 300 phụ huynh phải nhờ đến các đơn vị truyền thông kêu cứu thì Bộ VHTTDL và Bộ GD&ĐT mới thực sự nhập cuộc. Chiều ngày 1/4, Bộ VHTTDL đã có công văn kiến nghị Bộ GD&ĐT gỡ vướng cho HVMVN, ngay trong đêm 1/4, Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời.

Với hai nội dung Bộ VHTTDL đề xuất (cấp bằng trung cấp và cấp giấy chứng nhận hoàn thành văn hoá THPT chương trình khung giáo dục trung học chuyên nghiệp, nhóm ngành 3 (nghệ thuật), Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, quyền lợi của học viên HVMVN vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vì học viên vẫn trong tình trạng 2 không: không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT.

MỚI - NÓNG