Phụ huynh cầu cứu: Mua nhà ở Cầu Giấy, phân tuyến tuyển sinh quận Nam Từ Liêm

0:00 / 0:00
0:00
Người dân chung cư căng băng rôn "tố" chủ đầu tư bán nhà quận Nam Từ Liêm nhưng nhập nhèm nhà ở Cầu Giấy.
Người dân chung cư căng băng rôn "tố" chủ đầu tư bán nhà quận Nam Từ Liêm nhưng nhập nhèm nhà ở Cầu Giấy.
TPO - Người dân ở chung cư Dream land Bonanza có địa chỉ ở 23 Duy Tân (Hà Nội) có đơn “cầu cứu” về việc mua nhà quận Cầu Giấy nhưng phân tuyến tuyển sinh quận Nam Từ Liêm.

Cụ thể, người dân ở đây cho biết, chung cư nằm ở địa chỉ số 23 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, sau khi mua nhà, người dân đi đăng ký tạm trú, mới tá hỏa biết được rằng, tòa nhà thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ liêm.

Khi mua nhà, người dân hi vọng con sẽ được học các trường gần nhà (cách 200-500m) thuộc quận Cầu Giấy, nay theo phân tuyến tuyển sinh, các con sẽ phải học các trường đúng tuyến ở quận Nam Từ Liêm cách nhà trên 3 km. “Việc phải đưa đón con đi học xa trong tình cảnh giao thông ách tắc, ông bà sợ tai nạn giao thông không thể đưa cháu đi học…đã làm ảnh hưởng đến kinh tế và hạnh phúc gia đình”, đơn kêu cứu viết.

Do đó, tập thể người dân ở đây viết đơn kêu cứu cho 101 cháu độ tuổi mẫu giáo, 103 cháu tiểu học, 86 cháu THCS và 45 cháu THPT được học các trường ở quận Cầu Giấy.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy nêu tại Hội nghị hướng dẫn công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2021-2022 tổ chức sáng nay. Theo ông Ngọc Anh, người dân vùng giáp ranh đang đề nghị được cho con theo học các trường trên địa bàn. Những năm trước, người dân ở vùng giáp ranh quận Cầu Giấy - Tây Hồ cũng có nguyện vọng cho con học tại các trường thuộc Cầu Giấy.

Tuy nhiên, quan điểm của đơn vị là phải căn cứ vào tình hình thực tế để có giải pháp. Trong trường hợp các trường thuộc quận Nam Từ Liêm quá xa như phụ huynh phản ánh, Cầu Giấy sẽ xem xét tiếp nhận nhưng không thể tiếp nhận tất cả. Bởi vì, trước mắt, quận Cầu Giấy sẽ giải quyết tất cả các trường hợp đúng tuyến, sau đó mới tiếp nhận các trường hợp khác.

Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), ông Phạm Quốc Toản đề nghị Phòng GD&ĐT Cầu Giấy và Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm rà soát kỹ tình hình thực tế và có tham mưu với UBND quận để có giải pháp thuận lợi nhất cho học sinh.

Trong đó, phòng GD&ĐT Cầu Giấy rà soát kỹ về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ các trường vùng giáp ranh, nếu đáp ứng được yêu cầu, đề xuất UBND quận tiếp nhận bổ sung học sinh. Việc tiếp nhận phải được báo cáo Sở GD&ĐT để cập nhật vào hệ thống phần mềm, tránh để những em này trở thành học sinh trái tuyến.

Tuy nhiên, thực tế, những năm trước, các trường tại Cầu Giấy đều quá tải với sĩ số học sinh trên lớp dao động khoảng 50 em. Sĩ số này vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho biết, ngoài việc UBND quận có đề án xây mới, hằng năm các trường đều sửa chữa, cơi nới phòng học nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu người học.

MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.