Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
UBCKNN vừa xử phạt Vset Group 600 triệu đồng vì bán trái phiếu không đăng ký
UBCKNN vừa xử phạt Vset Group 600 triệu đồng vì bán trái phiếu không đăng ký
TP - Thời gian qua, cơ quan quản lý liên tục có động thái siết chặt quản lý hoạt động phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nhiều doanh nghiệp, công ty chứng khoán bị phạt vì sai phạm phát hành trái phiếu.

Ồ ạt phát hành

Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng phát hành TPDN đạt trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm tới 94,5%. Các tổ chức tín dụng phát hành TPDN nhiều nhất, chiếm 34% tổng khối lượng phát hành của thị trường, theo sau là các doanh nghiệp bất động sản với 27,7%, tiếp đến là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại là các nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, tỷ trọng mua TPDN riêng lẻ của nhà đầu tư cá nhân giảm so với năm trước. Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ TPDN phát hành riêng lẻ của các nhà đầu tư cá nhân vẫn rất cao.

TPDN phát hành riêng lẻ có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%, còn lại không có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án hình thành trong tương lai, cổ phiếu doanh nghiệp. Vụ Tài chính ngân hàng đánh giá, giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường, có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên thị trường vẫn có trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, trong số hơn 100 doanh nghiệp bất động sản phát hành TPDN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm nay.

Do đó, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối TPDN cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; tài sản đảm bảo; mục đích phát hành trái phiếu; các cam kết với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp… Nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu; lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là TPDN lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro lớn. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa các đơn vị này sẽ bảo lãnh cho trái phiếu…

Hạn chế rủi ro

Ngày 3/12, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo các đơn vị của Bộ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Sẽ có thêm một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu sai quy định được công bố xử phạt trong thời gian tới.

Tháng 10, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ phát hành TPDN. Các đoàn này cũng kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu…

Trước đó, ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBCKNN, cho biết, UBCKNN đang điều tra các doanh nghiệp không có vốn mà phát hành, đơn vị phát hành trái phiếu sai quy định, thậm chí, không phải công ty đại chúng mà phát hành ra công chúng… Đây là hiện tượng rất nguy hiểm, tương tự như đưa hàng giả lên sàn. Dù không nhiều nhưng là những hạt sạn ảnh hưởng đến thị trường.

“Ủy ban đang căng mình để thanh tra, kiểm tra. Bởi quan điểm của cơ quan quản lý là kỷ cương, kỷ luật quan trọng nhất. Rủi ro thị trường là đương nhiên có, nhưng siết kỷ luật, kỷ cương sẽ hạn chế được những rủi ro loại này. Đây cũng là điều mang lại niềm tin cho thị trường, hướng đến nâng hạng thị trường mà tiêu chí công khai, minh bạch được đánh giá rất quan trọng”, ông Sơn nhấn mạnh .

Theo Phó Chủ tịch UBCKNN, công ty chứng khoán cần là hàng rào đầu tiên giúp sàng lọc và lựa chọn hàng hóa cho thị trường. Do vậy, Ủy ban sẽ nâng cao trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc lựa chọn doanh nghiệp lên sàn, thậm chí chấm điểm các công ty chứng khoán.

Cảnh báo tổ chức tín dụng

NHNN vừa ban hành Thông tư 16 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN. Tổ chức tín dụng chỉ được mua TPDN với điều kiện tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định của NHNN. Thông tư cũng quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua TPDN để tái cơ cấu nợ; góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.

Chuyên gia cho rằng, việc ban hành thông tư trên là cần thiết đối với thị trường, xoá tình trạng “làm đẹp” bảng cân đối tài chính, ngân hàng mua trái phiếu “giúp” doanh nghiệp có tiền trả nợ vay đến hạn. Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán (CTCK) Vietcombank nhận định, có thực trạng một số ngân hàng bán TPDN cho công ty con, gây méo mó thị trường. Với việc NHNN ban hành Thông tư 16, các ngân hàng sẽ cần tính toán và có kế hoạch cụ thể về việc giao dịch TPDN của mình.

Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc phát hành TPDN

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 8857 ngày 3/12 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành TPDN. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… Kết quả báo cáo với Thủ tướng trước ngày 15/12.

Theo số liệu từ CTCK SSI, gần 60% lượng TPDN phát hành là do các ngân hàng và CTCK nắm giữ. Cụ thể, các ngân hàng thương mại mua vào 124,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3%; các CTCK mua 148,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,6%. Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, trong quý III/2021, tổng giá trị TPDN phát hành đạt mức 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước, đồng thời giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, có 88 doanh nghiệp phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giảm 20,8% so với quý trước, tỷ lệ phát hành thành công đạt 63,4%.

Bất động sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất - 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng 60,2% so với quý trước. Bất động sản đã vượt lên trên nhóm ngân hàng và trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị TPDN phát hành.

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thu về lượng vốn nhiều nhất là Công ty CP Osaka Garden (6.800 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Crystal Bay (450 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi sao Việt (1.900 tỷ đồng), Công ty CP Hưng Thịnh Land (7.950 tỷ đồng), Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản Mediterranean Revival Villas (7.200 tỷ đồng)...

Lãi suất TPDN bất động sản luôn ở mức cao nhất thị trường (7-13%). Trên trang traiphieu.abond.com.vn của Tập đoàn Apec và nhiều trang mạng xã hội đang quảng cáo trái phiếu Abond mức lãi suất 12%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. Theo lời quảng bá, lô trái phiếu đợt này có rủi ro thấp do được đảm bảo bởi tài sản doanh nghiệp trị giá gần 2.000 tỷ đồng, thanh khoản cao (rút tiền bất kỳ lúc nào sau 3 tháng kể từ ngày phát hành), thủ tục nhanh gọn.

Theo tìm hiểu của PV, lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ là loại trái phiếu không chuyển đổi và không nêu tài sản đảm bảo. Đây là điều hết sức rủi ro đối với nhà đầu tư. Sau Công ty Cổ phần Tập đoàn Vset Group bị xử phạt vì chào bán trái phiếu sai quy định, nguồn tin từ Bộ Tài chính cho hay, UBCKNN đang tiếp tục thực hiện thủ tục để xử phạt Tập đoàn Apec Group đối với hành vi tương tự.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.