Bộ Tài chính cho biết, để giám sát thị trường TPDN, bộ đã chỉ đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước kiểm tra tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại 9 doanh nghiệp phát hành và 2 công ty chứng khoán.
Kết quả, đã phát hiện và đang làm thủ tục xử phạt vi phạm với 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán. Cụ thể, phạt hành chính Công ty CP Tập đoàn VsetGroup do chào bán TPDN qua phương tiện thông tin đại chúng cho đối tượng nhà đầu tư không xác định mà không đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán theo quy định. Số tiền phạt là 600 triệu đồng, và doanh nghiệp này phải thu hồi toàn bộ trái phiếu đã phát hành.
Hiện Uỷ ban chứng khoán đang thực hiện thủ tục để xử phạt Công ty CP Tập đoàn Apec Group đối với hành vi tương tự. Trong thời gian tới, Uỷ ban chứng khoán sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.
Theo Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2021, khối lượng TPDN phát hành đạt giá trị trên 495.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm 94,5%, chỉ 5,5% TPDN phát hành ra công chúng. Dẫn đầu về phát hành TPDN là tổ chức tín dụng với 34% tổng khối lượng phát hành, tiếp đến là doanh nghiệp bất động sản với 27,7%, sau đó là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, sản xuất và công ty chứng khoán. Nhà đầu tư TPDN chủ yếu là các nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp.
Việc phát hành TPDN gia tăng trong 11 tháng vừa qua, theo Bộ Tài chính, do tín dụng ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, nên TPDN trở thành kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp.
Qua công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính nhận thấy thị trường TPDN vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, cần giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh.
Cụ thể, trong số 300 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ trong 11 tháng đầu năm chỉ có 207 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của TPDN chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án, nên giá biến động theo thị trường, có nguy cơ không đủ trả gốc và lãi trái phiếu. Có tới 49,1% TPDN phát hành riêng lẻ không có tài sản đảm bảo, trong đó chủ yếu trái phiếu do các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành (chiếm tới 76%).
Bên cạnh đó, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm bất động sản, khi có tới 26% doanh nghiệp diện này lỗ trong nửa đầu năm.
Theo Bộ Tài chính, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp có xu hướng giảm mua trên thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ, nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân rất cao. Trong khi theo quy định, TPDN diện này chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua.
Từ các phân tích trên, Bộ Tài chính khuyến cáo, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp các thông tin như: Tình hình tài chính, việc thanh toán lãi và gốc trái phiếu, tài sản đảm bảo, mục đích phát hành, nghĩa vụ doanh nghiệp… Nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro lớn. Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.