Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, việc phát hành TPDN, đặc biệt loại không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế. Để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy Ban chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước được yêu cầu đẩy mạnh thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm về phát hành TPDN, báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, cơ quan này cần khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý. Trong đó, việc kiểm tra, giám sát cần tập trung vào các doanh nghiệp phát hành trái phiếu quy mô lớn so với vốn tự có, trái phiếu không có tài sản đảm bảo và thành nhiều đợt.
Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan được yêu cầu hoàn thiện các quy định về phát hành TPDN, nâng cao chất lượng công bố thông tin cho nhà đầu tư, cách thức quản lý nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thị trường phát triển lành mạnh; đẩy mạnh thanh kiểm tra, kiến nghị xử lý vi phạm về phát hành TPDN; cảnh báo rủi ro trên thị trường TPDN đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các đối tượng tham gia thị trường.
Trước đó, trong tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ phát hành TPDN; kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính yếu…
Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong 9 tháng đầu năm 2021, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ tăng mạnh, với tổng giá trị khoảng 357.000 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020); khối lượng phát hành TPDN ra công chúng trên 17.375 tỷ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước).
Trên thị trường TPDN riêng lẻ, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất chiếm 37,3%, khối doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,1%. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp TPDN riêng lẻ giảm hơn 1 nửa so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn tài sản đảm bảo của TPDN là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp; một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua TPDN phát hành riêng lẻ; có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu…
Theo các chuyên gia, năm 2021, doanh nghiệp phát hành trái phiếu tăng mạnh do gặp khó khăn trong huy động vốn tín dụng, không ít doanh nghiệp đã hết hạn mức vay tín dụng nên phải chuyển sang kênh trái phiếu để huy động vốn; thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19…