Theo GS.TS Mai Đình Yên, Hội các ngành sinh học Việt Nam, hồ Gươm trước đây là một đoạn của sông Hồng, nay nằm biệt lập ở trung tâm thành phố Hà Nội, là một hệ sinh thái độc lập. Hồ có nhiều chức năng như điều hòa không khí, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như tâm linh, giải trí. Riêng về đa dạng sinh học, hồ Hoàn Kiếm cùng với hồ Tây là hai hồ có giá trị sinh học cao nhất của Hà Nội cũng như đồng bằng Bắc bộ. Lý do, hai hồ chưa từng nạo vét, cải tạo toàn diện nên vẫn giữ được hệ sinh thái từ hàng trăm năm qua.
Theo GS Mai Đình Yên, mặc dù không còn rùa Hoàn Kiếm, loài động vật đặc biệt quý hiếm nhưng hồ Gươm vẫn còn nhiều giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài tảo đặc hữu. Một chuyên gia Hunggary phát hiện ra hồ Gươm có những loài tảo mà không nơi nào trên thế giới có được. Nhờ có loài tảo đặc hữu này mà nước hồ Gươm có màu xanh lục, giá trị đa dạng sinh học rất cao.
GS Yên cho rằng, bất cứ sự can thiệp nào vào hệ sinh thái đều có tác động, hầu hết là tác động tiêu cực dù ít hay nhiều. Cách tốt nhất để bảo tồn một hệ sinh thái là duy trì hệ sinh thái ấy. Tuy nhiên, hồ Gươm hiện ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh, việc cải tạo là cần thiết. Mong muốn của các nhà khoa học là việc nạo vét, cải tạo có thể cải thiện được chất lượng nước hồ nhưng vẫn giữ được đa dạng sinh học, nhất là các loài quý hiếm, các cây con đang có trong hồ, thậm chí phục hồi được các loài đã mất thì càng giá trị. Nếu nạo vét một bước toàn bộ đáy bùn của hồ Gươm thì chắc chắn sẽ làm mất giá trị sinh học quý giá nơi đây.
Cùng quan điểm trên, TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản 1 chia sẻ, hồ Gươm có hệ sinh thái tồn tại hàng trăm năm nay và biệt lập hoàn toàn. Việc nạo vét đáy hồ là cần thiết nhưng nếu nạo vét toàn bộ bùn trong hồ sẽ phá hỏng hoàn toàn hệ sinh thái tầng đáy của hồ, không bao giờ có thể khôi phục lại.
Cần đánh giá đa dạng sinh học trước nạo vét
GS Mai Đình Yên đề xuất, trước khi tiến hành nạo vét hồ nên có nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học của hồ Gươm, làm cơ sở đối chiếu, so sánh trong quá trình thực hiện. Trước đó, có nhiều nghiên cứu về đa dạng sinh học ở hồ Gươm, các nhà khoa học cũng đánh giá được đa dạng sinh học của hồ nhưng chưa có nghiên cứu nào thành tài liệu.
Ngoài ra, có thể đưa một số loài động thực vật ở hồ Gươm bảo tồn tại các viện nghiên cứu, chờ hoàn thành nạo vét thì đưa trở lại. Trong quá trình làm cần thận trọng, vừa làm vừa thẩm tra đa dạng sinh học.
GS Yên cũng chia sẻ, cách đây 8 năm, Đức mang công nghệ hút bùn sang Việt Nam và thử nghiệm ở hồ Gươm. Trong quá trình nạo vét bằng công nghệ Đức, các nhà khoa học có phân tích mẫu nước, đa dạng sinh học trước và sau nạo vét thì thấy không khác nhau. Vì vậy, nếu làm được theo phương pháp của Đức thì rất tốt. “Công nghệ Đức không hút toàn bộ đáy bùn. Họ tách lớp bùn tầng trên cùng, nơi sinh sống của các sinh vật tầng đáy, sau đó hút lớp bùn bên dưới rồi trả lại lớp bùn tầng trên cùng. Như vậy, sinh thái của hồ không bị ảnh hưởng”, GS Yên chia sẻ.
TS Bùi Quang Tề cho rằng, việc nạo vét phải có kế hoạch cụ thể và có tính toán một cách khoa học, đầy đủ. Cần chia ra làm nhiều đợt để hệ sinh thái có thể phục hồi trong quá trình nạo vét.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thì cho rằng, quá trình nạo vét cần lưu ý đặc biệt đến các loài tảo đặc hữu của hồ Gươm bởi các loài tảo này đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của hồ, có chức năng làm sạch môi trường, làm thức ăn cho cá, tôm và duy trì hệ sinh thái.
Theo kế hoạch được Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất, sẽ nạo vét tổng thể toàn bộ bùn, thanh thải bùn và phế thải tồn đọng dưới đáy hồ Hoàn Kiếm. Dự kiến sẽ nạo vét trên diện tích 97.000 m2 với hơn 57.000 m3 bùn. Tổng thời gian thi công nạo vét và vận chuyển là 69 ngày. Sau đó tiến hành xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy-3C và bổ cập thường xuyên nước vào hồ.