Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ÐT cho biết. 13 năm thi 3 chung, Cục CNTT thường xuyên xếp hạng, nhóm xếp hạng theo màu là rất ít thay đổi. Trong đó, tốp 10 chủ yếu là các tỉnh đồng bắc Bắc bộ. Ðứng vị trí nhất thường xuyên là Hà Nội gốc (thời chưa sát nhập), Nam Ðịnh, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Và TPHCM sau mấy năm 3 chung mới vào được tốp 10. “Nay thứ hạng sắp xếp của các tỉnh bị xáo trộn. Nhiều tỉnh ngày xưa tôi sơn đỏ, nay nhảy lên sánh vai với top 10, tức là màu xanh trên bản đồ” - ông Quách Tuấn Ngọc chia sẻ.
Ðồng quan điểm này, ông Lê Trường Tùng, chủ tịch Hội đồng quản trị trường ÐH FPT phân tích: Hiện nay kỳ thi THPT quốc gia đang giao quyền cho các địa phương và đặt niềm tin vào các địa phương. Nhưng thực tế có kẽ hở lợi dụng để tiêu cực. “Từ sự việc này mới thấy tạo ra lòng tin thật khó. Vì vậy phải có cơ chế kiểm soát. Một số khâu giao được cho sở, một số khâu Bộ phải kiểm soát” - ông Tùng nói.
Thi trắc nghiệm: đâu là gót chân Asin?
Theo ông Lê Trường Tùng, so với tự luận, trắc nghiệm ít xảy ra tiêu cực trong phòng thi. Vì trắc nghiệm nhiều đề thi. Hơn nữa, năm nay đề thi tương đối khó, tìm được người giải trong thời gian nhất định cũng không đơn giản để đưa được lời giải vào phòng thi, đồng thời không làm được cho số đông.
Vì vậy, để tiêu cực, phải dồn vào khâu chấm thi. Nếu đề thi năm nay không quá khó, rất nhiều thí sinh được điểm 9, điểm 10 thì không thể phát hiện ra. Vì khi đó, phổ điểm của Hà Giang cũng giống phổ điểm của các địa phương khác. Hoặc năm ngoái đề thi đừng dễ quá, các trường lấy điểm chuẩn thấp thì năm nay chỉ cần sửa thành 7, 8 điểm/ môn cũng không phát hiện ra. Vì không ai hậu kiểm dò lại từng bài, mặc dù quy định có lưu bài thi gốc, có lưu dữ liệu quét vào máy tính. 1 triệu thí sinh cả nước thì rất khó làm được việc này.
Ông Nguyễn Phong Ðiền, Trưởng phòng Ðào tạo, ÐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định trong khi chấm thi sửa được bài gốc rất khó. Vì nhiều người tham gia. Nhưng với khâu xuất nhập điểm thi chỉ một người làm, nên rất dễ để sửa. Khâu xuất nhập điểm thi là khâu xung yếu trong quá trình chấm thi và người làm việc này phải trung thực, công tâm. Hiện nay, đã giao hết quyền cho Sở GD&ÐT, nhưng tính địa phương vẫn có. Ông Ðiền đề xuất năm sau, khâu xung yếu này phải có sự giám sát của Bộ.
Kinh nghiệm cho năm sau
Từ sự cố của năm nay, ông Lê Trường Tùng cho rằng chấm thi trắc nghiệm phải chấm tập trung. Thí sinh thi xong sẽ niêm phong bài và sẽ tập trung một chỗ để chấm ngay sau khi thi xong vì chưa có đáp án nên rất khó sửa bài. Bộ GD&ÐT quy định các điểm chấm này. Khi đó sẽ hạn chế được tiêu cực so với 63 đầu mối chấm như hiện nay.
Thứ hai, thi trắc nghiệm hiện nay tạo yếu tố may rủi. Thí sinh trung bình có thể hơn điểm thí sinh khá, thí sinh khá có thể hơn điểm thí sinhgiỏi. Làm thế nào thi cử phải loại được yếu tố may mắn. Do đó, phải thay đổi hình thức chấm điểm trắc nghiệm. Có thể bằng cách câu nào sai phải trừ đi ít điểm để thí sinh đừng hy vọng đánh “lụi” được điểm.
Thứ ba, Bộ cần phải có bộ phận xử lý dữ liệu thống kê để phát hiện điểm bất thường. Ðồng thời phải xử lý rất nặng nếu có vi phạm.
“Khóa nào cũng có chìa để mở. Chính sách nào cũng có khe hở vì dính đến con người. Tăng cường kiểm tra sẽ đỡ hơn nhưng mất thời gian. Còn chế tài nặng sẽ luôn là chiếc “gậy” răn đe hiệu quả” - ông Tùng đề xuất.
Còn ông Quách Tuấn Ngọc thì cho rằng Phiếu trả lời trắc nghiệm hiện nay không rọc phách. Nên bất kỳ ai cũng có thể biết phiếu trả lời này là của ai và tìm ra phiếu của 1 thí sinh nào đấy. Vì vậy, ông đề xuất, sau khi thi xong, rọc phách nếu có thì càng tốt và quét ảnh xong thì truyền file về Bộ ngay lập tức.