> Hàng nóng' muốn mua là có
> Chém ruồi
Dao sắc, hanh thông
Chị Loan, ở chợ Hòa Hưng nói rằng năm nào chị cũng chuẩn bị đón tết bằng một vài con dao mới. “Dao sắc thì mọi sự hanh thông, dao cùn thì cả năm công việc rối như tơ vò”. Chị cũng nói rằng người phụ nữ mấy ngày tết đâm đầu vào bếp: “Dao nặng mà cùn thì chặt rất khổ, dao nhẹ mà cùn lại còn tốn sức chúng tôi hơn”.
Chị Loan cho biết, chị thường mua dao ở chợ, nhưng phần nhiều người ta đã chuyển sang dùng dao công nghiệp trong các siêu thị. “Giá cả dao siêu thị từ vài trăm ngàn đến mấy triệu một bộ. Dao ta thì giá không chừng”. Chị Loan nói những con dao được làm ở các lò trong thành phố giá chừng vài ba chục một con, dao từ tỉnh đưa về có khi đắt hơn vài chục ngàn, vì số lượng không nhiều.
Sài Gòn có phố Triệu Quang Phục ở quận 5 chuyên mài dao kéo. Phong, một thợ mài dao hơn mười năm kinh nghiệm nói: “Phố có khoảng 30 cửa hàng, có 4 hộ người Việt còn lại là người Hoa”.
Mỗi dịp tết đến xuân về, người dân lại có phong tục đem cả bộ dao, kéo đến để mài. Những con dao tốt có thể sử dụng lâu dài nếu biết mài đúng cách. “Giá mài dao khác nhau, tùy theo dao và độ khó. Giá bình quân từ mười ngàn đến dăm chục ngàn” , Phong cho biết.
Anh bảo đá mài của anh được đặt từ Mỹ. Cuối năm hàng nhiều nên khách phải đợi đến hôm sau mới có thể lấy được bộ dao. Những con dao nhỏ như dao cau, dao rọc rau muống, dao lớn thì có dao cắt thuốc, dao chặt xương. Mỗi nhà một bộ dao dăm bảy con. “Mỗi loại dao phải có một cách mài riêng, mài không khéo thì phá dao của người ta” – Phong nói.
Chỉ mưu sinh những lúc nông nhàn
Ngoài phố dao, còn có những thợ mài lưu động. Anh Lâm Binh, bị tàn phế trong chiến tranh, thường đánh chiếc xe máy cà tàng của mình đi mài dao quanh các chợ. Dựng xe, dựng một cái ô cũ, anh mài dao với giá khá rẻ, có cái chỉ 3 nghìn.
Anh Binh cho biết: “Dao bà con mua ở siêu thị được nung công nghiệp nên rất cứng, phải mài bằng máy”. Anh mua một cái máy mô tơ chạy xăng, gắn sau chiếc xe máy. Gom dao lại, anh nổ máy và mài khá nhanh. Anh Binh nói: “Ngày tết đông khách có khi mài cả trăm con dao. Cũng kiếm được chút tiền gửi về cho vợ con”.
Anh cho biết anh ở xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Trong xã của anh nhiều người làm nghề mài dao, nhiều người họ hàng với nhau, vào thành phố thuê nhà mài dao kiếm sống.
Anh Binh nói: “Người mài dao ngày càng nhiều. Để tránh phải xung đột với nhau, nhiều khi chúng tôi phải chuyển đi nơi khác để mưu sinh”. Trước kia anh thường mài dao ở chợ Hòa Hưng, nhưng bây giờ anh đi lang thang, mỗi nơi trụ lại một thời gian.
Ngày xuân, người mài dao ở tỉnh cũng kéo về thành phố. Thông, một chàng mài dao, bán dao từ đồng bằng sông Cửu Long cũng mới gia nhập vào đội quân mài dao, bán dao dạo.
Thông nói: “Em mang theo cả dao phát, dao rựa, giá mỗi con hơn bốn trăm ngàn, nhưng lên đây bán không ai mua”. Thông cho biết đôi khi anh cũng bị đám thanh niên ngổ ngáo hỏi mua mã tấu, kiếm, nhưng những người bán dao, mài dao không cung cấp những mặt hàng ấy.
“Chúng em chỉ mưu sinh lúc nông nhàn, khi năm hết tết đến – Thông nói – các loại vũ khí ấy bán ở đâu, chúng em thực sự không biết”.