"Cần tạo không gian để người trẻ có điều kiện tự giáo dục"

"Cần tạo không gian để người trẻ có điều kiện tự giáo dục"
Đó là đề nghị của anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, khi tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, tại diễn đàn QH.

Anh Võ Văn Thưởng cho rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn cho đảm bảo an sinh xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X yêu cầu kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước ở từng lĩnh vực, từng địa phương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

Tuy nhiên, dù đã có những kết quả rất tốt trong tín dụng cho SV, học nghề xuất khẩu lao động, hỗ trợ người nghèo... nhưng cũng còn nhiều vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí được đề cập một cách không đầy đủ.

Chẳng hạn như vấn đề giải quyết cho người dân sau thu hồi đất, ký túc xá cho SV, nhà trọ cho thanh niên công nhân ở những khu chế xuất, khu công nghiệp là những biểu hiện cụ thể. Với tư cách ĐBQH, anh Thưởng đề nghị QH và Chính phủ quan tâm hai điểm:

Một là, đầu tư nhiều hơn nữa điều kiện, phương tiện để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức lối sống cho SV, HS. Bởi theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục, tình trạng quay cóp trong HS tiểu học là 8%, HS THCS là 53%, THPT là 60%. Tỷ lệ nói dối cha mẹ tương ứng là 22%, 50% và 64%.

Anh Thưởng cho rằng, những con số này có nguy cơ làm ảnh hưởng đến nền tảng đạo đức, đời sống tinh thần xã hội vì các em chính là tương lai của xã hội.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD - ĐT, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã "bắt tay" nhau và cam kết thực hiện chương trình xây dựng "trường học thân thiện và HS tích cực" để góp phần giải quyết vấn đề này, nhưng vấn đề này cần phải bàn bạc một cách thấu đáo ở một phạm vi rộng hơn và có sự tham gia của các cấp chính quyền, của nhiều ngành, của xã hội và của gia đình nhiều hơn.

Hai là, đầu tư nhiều hơn không gian cho sinh hoạt văn hóa, thể thao của người trẻ nói riêng và của người dân nói chung. Theo anh Thưởng, những con số vừa nêu bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân là chúng ta thiếu không gian để giới trẻ sinh hoạt lành mạnh và có điều kiện tự giáo dục.

"Hiện nay, hầu hết các trường đều thiếu không gian sinh hoạt chung, 80% SV, 95% công nhân phải tự tìm nhà trọ để ở trong khi những nhà trọ đó đạt dưới chuẩn và gây ra những dồn nén xã hội rất lớn. Trong khi đó các quy hoạch cho sinh hoạt văn hóa, quy hoạch cho thể thao đã có thì chậm thực hiện và có nhiều nơi chưa thực hiện được.

Cả nước hiện nay chỉ có 44 tỉnh có nhà thiếu nhi, 300 huyện có nhà thiếu nhi, 5 tỉnh có khu sinh hoạt dã ngoại cho thiếu nhi, có lẽ đây không phải là vấn đề cháy nhà, chết người cho nên ít được đề cập và quan tâm một cách đúng mức, nhưng tôi nghĩ rằng đầu tư cho lĩnh vực này cũng chính là đầu tư cho phát triển" - anh phân tích.

Cũng theo anh Võ Văn Thưởng, nếu chậm đầu tư cho lĩnh vực này, đợi đến khi giàu, có tiền, chúng ta mới đầu tư thì e rằng sẽ gây ra những hậu quả xã hội bức xúc, khó có thể giải quyết.

Theo Kiều Hải
Sinh viên Việt Nam

MỚI - NÓNG