Làm rõ các hoạt động công nghệ
Thưa ông, đến nay nhiều nước đã đẩy mạnh hình thức thanh toán điện tử (Mobile Money), khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ này, ví dụ như Trung Quốc, theo ông thì Việt Nam cần bắt nhịp phương thức thanh toán có nhiều tiện ích này chưa ?
Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc thể chế hóa, hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động thanh toán điện tử là cần thiết khi nó đã xuất hiện trong đời sống và ngày một phát triển. Việc thể chế hóa hoạt động giao dịch này cần tính đến bối cảnh của nền kinh tế, bối cảnh của xã hội.
Ví dụ như Trung Quốc đang rất phát triển thanh toán bằng mã QR trên điện thoại để thuận lợi cho việc thanh toán điện tử thay thế cho tiền mặt. Từ việc thanh toán này Trung Quốc lồng hoạt động quản lý nhà nước vào chiếc điện thoại, từ định danh công dân, định vị vị trí công dân đến phân loại (xếp hạng) công dân nước họ, đấu tranh phòng chống tham nhũng bằng việc hạn chế dùng tiền mặt…
Tuy nhiên, nếu áp nguyên cách Trung Quốc làm thì không thể triển khai do vướng quyền con người được quy định trong Hiến pháp. Vì thế, chúng ta phải làm rõ các hoạt động công nghệ tác động đến người dân, công dân thì phải phân biệt.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Vậy theo ông thì Việt Nam có thể gặp vướng mắc nào khi triển khai các dịch vụ thanh toán theo phương thức này ?
Đối với Việt Nam, trong vòng 3 năm trở lại đây, thanh toán điện tử rất phát triển nhưng chúng ta bị vướng ở một số vấn đề như về mặt pháp lý chúng ta vẫn chưa hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử phát triển. Bởi vì chúng ta phải biết có những vấn đề tồn tại trong chính bộ máy hành chính như nộp phạt vi phạm hành chính hay nộp thuế vẫn quy định phải phát hành hoá đơn, phải có 3 liên để lưu 3 nơi… Trong lúc đó nếu chuyển sang công nghệ thì chúng ta phải chấp nhập toàn bộ việc sử dụng hóa đơn điện tử hay các phiếu thanh toán chỉ bằng 2 ngón tay từ máy quẹt thẻ… là có giá trị pháp lý.
Hay việc nộp phạt vi phạm hành chính hay nộp thuế của các tiểu thương có thể nộp thuế thông qua thanh toán điện tử trên điện thoại có được chấp nhận hay không? Đây là chính là khoảng trống pháp lý. Mặc dù luật ở đã mở ra việc thanh toán điện tử trên diện rộng nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn vẫn còn đang có khoảng trống, chưa có hướng dẫn cụ thể.
Vậy còn từ phía người dân, theo ông đâu là những cản trở để thanh toán điện tử đi vào đời sống sâu và rộng hơn?
Do nền kinh tế chưa tạo được tác phong công nghiệp nên vẫn còn phổ biến hình ảnh người đi xe máy dừng ở các chợ ven đường để mua sắm, do đó thanh toán điện tử vẫn khó áp dụng rộng rãi. Hay những khu công nghiệp, các giao dịch mua bán (đi chợ) cho 1 bữa ăn của người công nhân chỉ 10.000-12.000 đồng trên nhiều giao dịch, từ bà bán rau đến bán cá, đậu phụ… mỗi lần chỉ 3.000-5000 đồng.
Vậy nhà cung cấp thanh toán điện tử sẽ lấy phí bao nhiêu cho các giao dịch nhỏ lẻ như vậy? Bản thân nền kinh tế nhỏ lẻ, khả năng chi tiêu của số đông ngươi dân còn rất thấp thì việc lôi cuốn thanh toán điện tử là việc rõ ràng không hề dễ dàng. Vì vậy, cần những nhà cung cấp có nguồn đầu tư đủ mạnh, tham gia vào cuộc chơi này.
Pháp luật đi trước để “lấp khoảng trống”
Ông nghĩ thế nào về quy định pháp luật cho việc thanh toán từ tài khoản viễn thông, làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán, mua bán và thu hút vốn đầu tư phát triển lĩnh vực này?
Đây là xu hướng tất yếu phải đi đến cũng như tự động hóa trong sản xuất. Tuy nhiên, tùy vào mỗi nền kinh tế, đặc thù xã hội mà không thể tự động hóa. Còn đối với thanh toán điện tử ở Việt Nam cũng cần nhìn thấy thực tế đất nước có 63 triệu nông dân, trong đó 23 đến 27 triệu người dân sống ở khu vực miền núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và vùng hải đảo. Trong khi để có giao dịch thanh toán điện tử thì cần có tối thiểu 1 máy điện thoại thông minh (smart phone). Nếu được sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, toàn dân có đăng kí thuê bao và điện thoại thường là có thể tham gia vào hoạt động thanh toán.
Quy định pháp luật cần đi trước đón đầu xu hướng của thế giới, của sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế nhưng cũng cần tránh đón đầu quá xa sẽ tạo ra khoảng trống, không gắn với đời sống thực tiễn, tạo ra sự phân biệt. Vì thế nhà mạng cũng cần nhìn rộng toàn xã hội để đưa ra các cơ chế phù hợp với số đông. Và cơ quan quản lý nhà nước phải đề ra quy định phù hợp, có thể tạo điều kiện cho các nhà cung cấp như vừa qua là quy định bắt buộc phải trả lương qua tài khoản.
Tiện ích thì đã thấy rõ, nhưng theo ông thì cần những lưu ý gì khi định ra khung khổ pháp luật cho một phương thức mới như thế này?
Một thời gian dài Việt Nam quy định 1 cuộc điện thoại là 3 phút, sau nhiều lần thay đổi thì nay 6 giây/block. Hay trước đây, phát triển thuê bao điện thoại cố định là chỉ số đánh giá phát triển của một quốc gia thì nay thuê bao cố định ngày một giảm nhưng Việt Nam đang là nước có tốc độ phát triển thuê bao di động hàng đầu thế giới. Cuộc cách mạng 4.0 là phải có hạ tầng viễn thông mạnh để đáp ứng.
Cần phải nhớ rằng không chỉ vội vã cung cấp dịch vụ mà cần đi kèm với đó là bảo mật an toàn thông tin và các vấn đề phát sinh khác. Chúng ta chỉ nhìn thấy hướng tích cực, đúng trong quá trình phát triển của xã hội thì phải nhìn theo hướng tích cực nhưng không được quên nhìn lại, phải nghe, phải cân nhắc đang chạy như thế nào, phía trước có hố, có vũng nước hay không? Xu thế thì mình đi tắt đón đầu, nhưng nó phải đảm bảo là mình đi nhưng phải bền vững.
Xin cảm ơn ông!