Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phải kể đến việc buông lỏng quản lý, thiếu kinh phí bảo trì, làm cho quỹ nhà chung cư cũ ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các khu nhà chung cư cũ ở Hà Nội đều trong tình trạng “quá tải”, bị đục phá, cơi nơi, chuồng cọp, thấm dột… Bên cạnh đó, sự lún nứt cũng đã xuất hiện ở nhiều chung cư, nếu có thiên tai như động đất, bão tố… thì sẽ xảy ra những thảm họa khó lường.
Đối với tình hình cải tạo chung cư cũ hiện nay, ông Hà nhận định: Nếu thực hiện theo quy trình quy hoạch như đề xuất của Thành phố thì sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí. Thay vào đó, cần coi các dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn TP là yêu cầu hết sức cấp bách, phải coi đó là loại dự án Chỉnh trang đô thị và cải tạo chung cư cũ – một loại dự án đặc thù. Phương án thực hiện từ lập kế hoạch, lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư như với dự án chỉnh trang đô thị theo Nghị định 11 và cơ chế ưu đãi được áp dụng theo quy định tại Nghị định 101.
Về chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư được thực hiện như đối với các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Nên thiên về khuyến khích người dân di dời. Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới cho thấy họ làm những khu tạm cư hay tái định cư trước với chất lượng tốt, cảnh quan đẹp, hạ tầng đồng bộ để “hút” dân. Mình không xây nhà trước mà nói với dân sẽ được thế này, thế kia, 2,3 năm sau chuyển đến thì khó thuyết phục. “Những người dân tái định cư tại chỗ chỉ được hệ số 1 và phải trả số phần chênh lệch. Còn số người đi thì có hệ số cao gấp 2, tùy theo vị trí của khu tạm cư đó để đảm bảo tính công bằng”, ông Hà nói.
Bên cạnh đó, ông Hà nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương từ Thành phố đến các quận, phường trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Bởi quận, phường là nơi khởi xướng và đề xuất các chương trình, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Không cơ quan, doanh nghiệp nào nắm chắc địa bàn, đặc điểm và nguyện vọng của cộng đồng dân cư bằng chính quyền địa phương. Nếu cứ phó mặc cho doanh nghiệp thỏa thuận với dân như cách làm trước đây thì rất khó thành công. Có thể nói, nơi nào chính quyền quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp tốt với nhà đầu tư thì công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ có kết quả tích cực.
Ông Hà đề xuất TP Hà Nội, UBND các quận thành lập Ban chỉ đạo chương trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Thường xuyên kiểm điểm tiến độ thực hiện, quy trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ.