Cải tạo chung cư Hà Nội, 10 năm chỉ đạt gần 1%
Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, ngày 4/4, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học bàn về một số cơ chế khung cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, và những rào cản cần tháo gỡ.
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990. Đa số các nhà nhà chung cư cũ này đều hết niên hạn sử dụng và phân bố chủ yếu tại 4 quận nội đô.
Để xử lý các chung cư xuống cấp, từ năm 2003, UBND thành phố Hà Nội đã bắt đầu giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập.
Tuy nhiên, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Có 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại, nhiều người dân chưa ủng hộ việc cải tạo.
Nhằm tạo ra một cơ chế khung báo cáo UBND thành phố Hà Nội, tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan đến cải tạo, xây dựng lại ngay các chung cư cũ hết niên hạn sử dụng, không phải thực hiện quy trình kiểm định; ban hành hệ số bồi thường tái định cư tại chỗ để cơ chế giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân tầng 1.
Đề xuất áp dụng theo chính sách bồi thưởng giải phóng mặt bằng của các dự án và cho phép tăng chiều cao, giảm mật độ, tăng quy hoạch ngầm để bố trí thêm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội kết nối với khu vực; chế độ tạm cư phục vụ di chuyển các hộ dân trước khi cải tạo, xây dựng lại; lựa chọn chủ đầu tư…
"Xôi đỗ" về niên hạn
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đào Văn Bầu - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội đề xuất, khu chung cư nào cần thiết phải cải tạo thì phải làm ngay, không nên đề ra tiêu chí niên hạn. “Nếu theo quy định, tòa nhà phải qua 50 năm mới hết niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, hiện hầu hết chung cư cũ chỉ khoảng 30-40 năm nhưng chất lượng đã xuống cấp. Chúng ta đã "xôi đỗ" về quy hoạch, nay lại thêm "xôi đỗ" về niên hạn thì sẽ không cải tạo được”, ông Bầu phân tích.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản Việt Nam cho rằng, với chung cư hết niên hạn cần đưa vào cải tạo ngay chứ không cần kiểm định để đảm bảo an toàn cho người dân. "Chúng ta cần quy hoạch tổng thể khu nào làm trước, khu nào làm sau. Để tạo sự đồng bộ về cảnh quan, với những tòa chưa đến hạn sử dụng nhưng đã xuống cấp thì cũng phải tính tới yếu tố quy hoạch để làm mới lại cho hiện đại”, ông Trần Nam nói.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, khi lập quy hoạch cải tạo chung cư cũ, cần đưa ra những tiêu chí về: Tuổi thọ công trình; công trình xuống cấp, không đảm bảo kiến trúc cảnh quan; nguyện vọng của cư dân. Việc áp dụng tiêu chí hết niên hạn là chưa phù hợp. Có những tòa chưa tới hạn nhưng đã xuống cấp, gây ảnh hưởng kiến trúc đô thị thì cũng vẫn phải làm.
Theo ông Hùng, việc trước mắt là cần phải đẩy nhanh tiến độ lập và sớm công bố quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ để người dân biết và lựa chọn chủ đầu tư phù hợp. Khi lập được quy hoạch tốt, đáp ứng nhu cầu lợi ích các bên thì sẽ tạo sự đồng thuận từ người dân.