Ngày 29/8, Bộ GD&ĐT ban hành công văn gửi giám đốc các Sở GD&ĐT yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học.
Tuy nhiên, thực tế, đến hôm nay, ngay tại Hà Nội nhiều phụ huynh vẫn chưa mua được SGK cho con đặc biệt là sách lớp 10.
Đại diện Nhà sách Trí Tuệ, Cầu Giấy cho biết SGK lớp 10 luôn luôn cháy hàng trong thời gian qua, do sức mua hàng lớn nhưng hàng về khá chậm. Ghi nhận của phóng viên, tình trạng thiếu SGK, đặc biệt là SGK lớp 10 diễn ra tại nhiều nhà sách.
Phản ánh của các nhà sách trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội cho thấy, nhu cầu về SGK lệ thuộc vào việc các trường xây dựng tổ hợp môn học và lựa chọn đầu sách của các Nhà xuất bản (NXB) khác nhau nên nhà sách không "mạo hiểm" nhập theo bộ, chỉ ưu tiên một số đầu sách phổ biến.
Năm nay, người dân đã mua sách lớp 10 từ rất sớm nhưng đến giờ nhiều người vẫn không tìm được sách cho con vì sách lớp 10 bán xé lẻ, đòi hỏi phụ huynh và học sinh phải tự tìm môn học theo 3 bộ sách, tùy lựa chọn của từng trường trong khi sách về bị thiếu nhiều.
Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân khiến phụ huynh, học sinh khó khăn trong việc mua SGK mới, ông Vũ Xuân Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nội cho biết do một số phụ huynh không đăng ký mua sách ở trường. Trong khi đó, các đơn vị bên ngoài hệ thống bán lẻ không có đủ đầu SGK từ các NXB dẫn tới việc phụ huynh phải đi nhiều nơi mới mua được trọn bộ SGK theo yêu cầu của từng trường học. Ông Dương khẳng định, hiện nay những trường đăng ký mua SGK qua đơn vị này cơ bản đã có đủ sách.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con theo học lớp 10 Trường THPT Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết khi nhập học lớp 10 hồi tháng 7, nhà trường hướng dẫn phụ huynh có thể đăng ký nhờ trường mua hộ các đầu SGK theo môn học đăng ký. Song mới đây họ lại nhận được thông tin từ giáo viên chủ nhiệm là do gặp vấn đề trong việc cung ứng nên có thể năm học mới chưa kịp có SGK.
Ông Đỗ Mạnh Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Văn cũng đã xác nhận việc này và cho rằng một số đơn vị cung cấp chậm cung ứng SGK cho nhà trường. Cụ thể, năm nay, theo Chương trình phổ thông mới, không phải tất cả học sinh sẽ cùng học một bộ SGK như trước đây, có môn học tự chọn, có những lớp dùng sách này, không dùng sách kia và ngược lại nên phức tạp hơn so với mọi năm. Do đó, nhà trường đặt mua sách của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ Cánh diều của 2 NXB Đại học Sư phạm từ cuối tháng 7 nhưng đến thời điểm này, sách vẫn chưa kịp về.
“Chúng tôi đăng ký mua sách từ hè, tính đến nay cũng được khoảng 1 tháng, lúc đầu các đơn vị phát hành hứa, sau lại bảo là không có sách và phải đi gom ở các tỉnh khác về,...” ông Thành nói và cho hay đã chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm thông tin đến cha mẹ sinh nếu có chỗ nào mua được những đầu sách mà lớp con dùng thì chủ động. Trong trường hợp không có SGK đầu năm học mới, ông Thành nêu dự kiến sẽ sử dụng bản mềm SGK điện tử để trình chiếu hoặc photo tạm phát cho học sinh một số bài học của một vài tuần đầu đến khi SGK về đủ.
Chờ đợi
Đầu tháng 8, Báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh tình trạng thiếu SGK ở khắp các địa phương trên cả nước. Sau đó, trong thông cáo báo chí về việc cung ứng SGK cho năm học mới, NXB Giáo dục Việt Nam, lý giải năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai áp dụng sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các NXB có SGK được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ sách phục vụ nhu cầu của giáo viên, học sinh theo số lượng các địa phương đăng ký.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc công bố danh mục SGK lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với NXB Giáo dục Việt Nam trong việc cung ứng sách giáo khoa theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.
Đặc biệt, đối với SGK lớp 10, ở nhiều môn học học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.
Mặc dù vậy, NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định đã bám sát các địa phương, nhà trường để chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện có thể triển khai in gấp, đảm bảo cung ứng đầy đủ theo nhu cầu.
Tuy nhiên, việc thiếu SGK không thể chỉ đổ đầu NXB Giáo dục Việt Nam. Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn phê duyệt 3 bộ SGK gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành 2 bộ là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ Cánh diều do 2 NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TPHCM chịu trách nhiệm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ có NXB Giáo dục Việt Nam lên tiếng còn hai NXB chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành bộ sách Cánh diều vẫn im hơi lặng tiếng.
Dư luận cũng đặt câu hỏi về chủ trương mà Chính phủ yêu cầu sớm xây dựng kế hoạch trình Chính phủ phê duyệt việc dùng ngân sách nhà nước mua SGK cho học sinh mượn ngay trong năm học 2022 - 2023 đã được Bộ GD&ĐT chủ trì, thực hiện đến đâu.
Mới đây nhất, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải tiếp tục đốc thúc, Bộ trưởng GD&ĐT phải trực tiếp bàn với Bộ trưởng Tài chính để thống nhất văn bản trình Thủ tướng Chính phủ… Nếu không làm nhanh, đầu năm học không kịp thì xã hội chỉ biết là do Bộ GD&ĐT.