Căn cứ Crimea bị chiếm, lính Ukraine 'không biết về đâu'

Trụ sở hải quân Ukraine tại Crimea bị chiếm vào ngày 19/3.
Trụ sở hải quân Ukraine tại Crimea bị chiếm vào ngày 19/3.
Sau khi trụ sở bộ tư lệnh hải quân Ukraine tại thành phố cảng Sevastopol bị chiếm, các sĩ quan hải quân Ukraine buộc phải rời khỏi doanh trại. Ước tính có khoảng 22.000 quân nhân Ukraine đang mắc kẹt ở Crime.

Khoảng 200 thành viên lực lượng tự vệ địa phương Crimea đã phá đổ cổng và tràn vào trụ sở bộ tư lệnh hải quân Ukraine tại thành phố cảng Sevastopol sáng qua, trước khi một nhóm vũ trang hạng nặng có mặt tại đây và giương cờ Nga thay cho cờ Ukraine.

Các sĩ quan hải quân Ukraine sau đó buộc phải rời khỏi doanh trại của họ trong nước mắt. Họ chỉ được mang theo một ít tư trang cá nhân, không mang vũ khí.

"Chúng tôi phải tạm thời giải tán. Tôi biết đi đâu bây giờ?", Vlad, một sĩ quan Ukraine ở bán đảo Crimea, buồn bã nói khi rời khỏi căn cứ trong quân phục hải quân.

"Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi đã phục vụ ở đây 20 năm rồi. Tôi biết đi đâu bây giờ?", Vlad cho biết. Ông là một trong khoảng 22.000 quân nhân Ukraine đang mắc kẹt ở Crime khi nước cộng hòa tự trị này sáp nhập vào Nga.

"Chúng tôi không thể dùng súng ở đây. Chúng tôi không muốn đụng độ", ông nói, bất chấp việc chính phủ lâm thời Kiev cho phép các binh sĩ Ukraine ở Crimea sử dụng vũ khí để tự vệ.

Khi được hỏi liệu ông có rời quân đội Ukraine hay không, Vlad đáp: "Không". "Tôi chỉ ra đi một thời gian, trong khi chờ các cấp trên của chúng tôi đưa ra quyết định", ông nói.

Những người phụ nữ đang chờ các sĩ quan bên ngoài căn cứ, vội vàng xếp các túi xách hành lý lên ôtô. Một vài binh sĩ cẩn thận cởi quân phục của họ. 

"Chúng tôi sẽ trở lại vào ngày mai nếu họ cho phép", một người nói.

Một sĩ quan có tên Sergiy bác bỏ chuyện người Ukraine đang đầu hàng hoặc chạy sang lực lượng đối phương. Tuy nhiên, họ cảm thấy bị phản bội.

"Những quân nhân ở Crimea đã bị đô đốc và những chỉ huy phản bội. Chúng tôi sẽ đợi xem họ quyết định thế nào. Nếu chính quyền thân Nga yêu cầu tôi rời Crimea, tôi sẽ đi. Tôi không theo phe phái nào cả", ông nói.

"Cuộc bỏ phiếu là một trò hề", ông nhắc đến cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập lãnh thổ với Nga diễn ra ở Crimea hôm 16/3.

Không có vụ nổ súng nào xảy ra giữa hai bên trong cuộc đối mặt hôm qua và lực lượng tự vệ địa phương tuyên bố đã bắt giữ Tư lệnh hải quân Ukraine Sergiy Gayduk.

"Căn cứ quân sự giờ đã được kiểm soát. Không có ai dùng đến súng", Igor Yeskin, đại diện của nhóm vũ trang địa phương nói. Ông cho hay mục tiêu của lực lượng này là giành lại tất cả các đồn bốt của quân đội Ukraine mà không phải đổ máu.

"Nếu các quân nhân Ukraine từ chức, họ có thể ở lại Sevastopol hoặc rời khỏi lãnh thổ Crimea. Nếu họ vẫn tiếp tục cuộc đời trong quân đội và muốn ở lại, họ có thể phục vụ cho người dân Crimea hoặc trong tương lai gia nhập quân đội Nga", ông Yeskin nói.

Tư lệnh Hải quân Ukraine Gaiduk chỉ vừa được bổ nhiệm trong tháng này sau khi người tiền nhiệm của ông, chuẩn đô đốc Denis Berezovsky, từ chức và cam kết trung thành với chính quyền ủng hộ Nga ở Crimea.

Khi được hỏi nguyên nhân và địa điểm vị tư lệnh bị giam giữ, Yeskin cho hay lực lượng tự vệ địa phương cần "trao đổi" với Gaiduk. "Giới chức đang giải quyết vấn đề này", ông nói.

Theo Anh Ngọc

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.