Cần chuyển sang giao thông xanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong PGS. TS Nguyễn Hồng Thái, Trường Đại học Giao thông vận tải, nói rằng thành phố Hà Nội cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm giảm nguồn phát thải từ xe cộ, để tăng chất lượng không khí.

Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Thái sức chứa của một xe bus điện công cộng là 50 chỗ sẽ thay thế được cho 50 xe máy, đường đi sẽ thông thoáng hơn, lượng khí phát thải ra môi trường cũng giảm đi rất nhiều. Khi người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, sẽ góp phần phát triển mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội.

Ông Thái đánh giá, rào cản lớn nhất hiện nay của Hà Nội là chưa xây dựng được mạng lưới trạm sạc công cộng phục vụ người dân sử dụng xe điện. Đồng thời, tuổi thọ pin của các phương tiện điện chưa hấp dẫn để đủ sức thuyết phục người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, phương tiện vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu đi lại của người dân, mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu.

Theo ông Thái, ngay từ thời điểm hiện tại, cần có biện pháp hạn chế và gần như không cho đăng ký xe xăng, giúp người dân biết trước được thông tin, và có phương án chuyển đổi phương tiện sớm hơn.

Để hoàn thành mục tiêu dừng hoạt động xe máy xăng ở các quận vào năm 2030, ông Thái cho rằng, cần tăng cường sử dụng xe điện và phương tiện giao thông công cộng xanh.

Cần ưu tiên xe điện

PGS. TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng, cần phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là cung cấp các trạm sạc công cộng cho xe điện.

Mặt khác, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu mua hoặc đổi phương tiện chạy bằng xăng sang phương tiện điện; tăng phí sử dụng đối với xe xăng, thông qua việc tăng phí xăng dầu.

Cần chuyển sang giao thông xanh ảnh 1

Người Hà Nội chật vật đối phó không khí ô nhiễm Ảnh: Hồng Vĩnh

Với phương tiện vận chuyển công cộng, để chuyển đổi sang phương tiện xanh, xe điện, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi vay vốn, lãi suất... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, điều quan trọng nữa là cần thay đổi được thói quen sử dụng xe của người dân Thủ đô. Thực tế, hầu hết nhà cửa nằm trong các ngõ nhỏ và sâu, khi di chuyển, người dân lại dừng đỗ ở nhiều điểm khác nhau, do đó họ thường sử dụng xe máy cho thuận tiện. Khi chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, người dân phải thay đổi thói quen, chấp nhận đi bộ một đoạn đường nhất định để đến các điểm bắt xe bus hay ga tàu điện.

“Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp, chắc chắn chủ trương của thành phố Hà Nội sẽ nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của đông đảo người dân. Khi đó, không cần khuyến khích thì người dân cũng sẵn sàng chuyển đổi từ sử dụng xe xăng sang xe điện và các phương tiện công cộng, vì sự an toàn và thân thiện với môi trường”, ông Thái nhận định.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Sở TN&MT Hà Nội cho biết, để tăng cường tính chủ động ứng phó trước tình hình ô nhiễm không khí có nguy cơ gia tăng, Sở TN&MT tiếp tục vận hành hệ thống quan trắc chất lượng không khí. Sở cũng thường xuyên cung cấp dữ liệu về diễn biến chất lượng không khí trên các nền tảng số hoá của thành phố để người dân chủ động ứng phó. Sở cũng thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm không khí để xác định các điểm nóng và có phương án xử lý kịp thời.

Ngoài ra, Sở TN&MT kiểm kê nguồn thải ô nhiễm không khí để có giải pháp xử lý trước mắt và dài hạn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp kiểm soát, xử lý, giám sát khí thải, đặc biệt các cơ sở có phát sinh bụi, khí thải lớn. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

MỚI - NÓNG