Thân phận… vỉa hè
Chiếc máy mài giày cũ mèm, đế giày, bịch da, chỉ cuộn đủ màu... là chân dung của nhiều thợ sửa giày mà những người ở Sài Gòn dễ dàng bắt gặp trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Nơi đây, ông Hồ Ngọc An (53 tuổi) đã gắn bó hơn 10 năm nay. “Sửa giày khỏe hơn những nghề tôi từng làm, lại tự do hơn, thu nhập cũng không đến nỗi nào”, ông An chia sẻ.
Cũng theo ông, nhiều lúc bị “chiến dịch” thu đồ phải về quê làm nhưng nghề này không có đất sống ở quê đành phải trụ lại. Dù mưa, dù nắng, đều đặn 7 ngày trong tuần, từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm ông gắn cuộc đời mình trên vỉa hè con đường này.
Ngày đông khách thì hơn 200 ngàn đồng, ít cũng được trên dưới 100 ngàn đồng. Tuy nhiên, đâu dễ yên ổn làm, bị đuổi đi, tịch thu dụng cụ là chuyện thường ngày nhưng vì để mưu sinh nên bắt chỗ này thì chạy qua chỗ kia. Đầu năm đến nay, ông phải 2 lần lên chính quyền sở tại để xin lại đồ nghề và nộp tiền phạt.
Trước cổng Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, quận 1 dễ dàng nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ trung niên cười nói xởi lởi bên cạnh “quán” nước nhỏ. Bà là Lê Thị Huyền (65 tuổi), gắn bó với công việc bán hàng rong đã 30 năm ròng. Khó ai đoán được bà đã từng là cô giáo. Quê gốc ở Hà Nội, nhưng bà được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn.
Là chị cả của chục đứa em, cô giáo dạy Toán ngày ấy của trường Trần Hưng Đạo mang trên vai nỗi lo toan của cả gia đình. Ngày ấy, lương giáo viên ba cọc ba đồng, không đủ sống nên bà gác lại việc đứng trên bục giảng, chọn vỉa hè và gắn bó với công việc bán hàng rong cho tới nay. Nhà xa trung tâm thành phố nên mỗi ngày khoảng 4 giờ sáng là bà Huyền dậy để chuẩn bị nấu nước pha cà phê, rồi đón xe buýt lên quận 1 mưu sinh.
Tại quán nước nhỏ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, bà Nguyễn Thị Hương (69 tuổi), có thâm niên 30 năm bán hàng rong. Từ thời con gái, bà đã chọn công việc mưu sinh bằng những gánh hàng rong trên vỉa hè và thấm thoát đã hơn nửa đời người. Ngày mới vào nghề cho đến giờ, “cần câu cơm” của bà vẫn là tủ thuốc nhỏ với nhiều mặt hàng như: Thuốc lá, kẹo, áo mưa…
Bảy năm trước, bà Hương phát hiện mình mắc phải căn bệnh ung thư vú, phải phẫu thuật cắt bỏ một bên, mỗi ngày bà phải uống thuốc đặc trị và đi kiểm tra tốn quá nhiều tiền nên gần 2 năm nay bà không đi bệnh viện tầm soát nữa. Nhìn gương mặt, cảm nhận nụ cười lạc quan của bà Hương không ai nghĩ rằng người phụ nữ ấy hằng ngày phải chịu đựng những cơn đau từ căn bệnh quái ác ấy!
Không chồng con, bà sống với em gái, số tiền kiếm được bà dùng để phụ đóng tiền học cho các cháu. Ánh mắt bà sáng hẳn lên, đầy vẻ tự hào khi nhắc đến đứa cháu gái vừa đỗ thủ khoa vào một trường đại học. Bà nói, gia tài lớn nhất cuộc đời mình là những đứa cháu chăm ngoan, học giỏi, rồi cái tủ thuốc ở vỉa hè này.
Còn chị Phan Anh Ngọc (37 tuổi), bán xôi ở vỉa hè đường Nguyễn Hữu Cầu, quận 1 gần 10 năm nay. Quê chị Ngọc ở vùng núi tỉnh Quảng Nam, nhiều năm nay mưa bão thất thường nên hai vợ chồng dắt díu bầy con trôi dạt vào Sài Gòn mưu sinh. Gánh xôi của chị cũng tiện, gọn.
Sáng sớm, chị Ngọc gánh đi “bỏ mối” tại các khách hàng với các khu phố quen quanh đó, “hòm hòm” đến 6 giờ là chị “cắm dùi” ở gần chợ Tân Định bán cho khách vãng lai. Cả tuần nay, khi quận 1 ra quân dẹp nạn lòng lề đường thì chị không trụ một chỗ mà chuyển sang bán kiểu di động.
“Chua lắm anh à! Đi rong thì đâu có khách nhiều mà lại tốn sức, đi qua quận khác thì sợ đụng “địa bàn” của chị em khác cũng bán rong như mình nên cứ đi quanh quẩn ở khu Tân Định, Đa Kao mà thôi”, chị Ngọc than.
Cần lưu giữ mảnh hồn đô thị
Có một thời, chuyện kinh doanh lề đường ở Sài Gòn gắn liền với một hình ảnh khá tiêu biểu là người… bán chiếu. Cụ thể là hơn 40 năm trước, ga Sài Gòn còn nằm ở trung tâm Sài thành (nay là khu công viên 23/9), có dịch vụ “bán chiếu” ở lề đường khu Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, chợ Cầu Muối.
Khách lỡ tàu phải ngủ lại để đón chuyến tàu sớm, nhà trọ thì đắt, vả lại thời ấy cũng chẳng có nhiều nhà trọ nên xuất hiện các “thầu” lề đường cho thuê chiếu để khách trải ra đường mà ngủ. Có những tay “thầu” khai thác cả trăm chiếc chiếu xếp dọc hè phố mỗi đêm để cho thuê. Mấy năm trước, Sài Gòn cũng rộ lên “phong trào” khoai lang nướng vỉa hè.
Một lò than, một vỉ nướng, chiếc quạt và một bao tải khoai lang… trải ra lề đường, thế là sống khỏe. Cứ 3-5 củ khoai là bán được 10 ngàn đồng. Một bao tải khoai cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng lời trong một buổi chiều. Với nhiều người, đây là khoản thu nhập không nhỏ, nhất là với dân nhập cư.
Nhìn ra thế giới, những TP lớn như: New York, Paris, Tokyo hay Bangkok… luôn có những quán cà phê, thực phẩm, đồ lưu niệm… trên vỉa hè. Nhà quản lý chỉ cho phép những cửa hàng này kinh doanh tại một tuyến phố nhất định, các quảng trường trung tâm, rồi dần xây dựng thương hiệu thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Theo bà Đào Thị Lan (68 tuổi, quê Bình Định), lập nghiệp ở Sài thành ở thuở còn mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông” rằng, các nước công nghiệp hiện đại hiện nay cũng hình thành một nền văn hóa “vỉa hè” hẳn hoi với các quán trà, cà phê, giải khát vỉa hè rất nên thơ và sạch đẹp, cuốn hút không ít du khách nước ngoài, tương tự như quán cà phê vỉa hè bên hông cao ốc Metropolitan, trước nhà thờ Đức Bà.
Còn Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hoà, Trưởng bộ môn Đô thị học (trường ĐH KHXH và NV TPHCM) đối với người Sài Gòn, đặc biệt là những người con xa xứ, những quán vỉa hè, xe đẩy hàng rong… chính là những hoài niệm, nhớ nhung đến khắc khoải. Đó đã là một đặc trưng, một mảnh hồn đô thị mà Sài Gòn đã hằn vào ký ức và kỷ niệm một thời. Dù đó chỉ là quán bún bò, xe hủ tiếu mì, xe nước sâm, xe gỏi, bò bía, gánh trái cây mát lạnh… rất giản dị.
Ông Hoà chia sẻ thêm, bấy lâu nay, cứ mỗi lần các cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự lòng lề đường thì lại vang lên cụm từ “văn hoá vỉa hè” như một thứ “bùa” để cứu lấy thứ “đặc sản” của Sài Gòn. “Họ đã hiểu sai về khái niệm “văn hoá vỉa hè” nên không thể biện minh cho sự nhếch nhác, mất vệ sinh, chiếm dụng lề đường tràn lan… là văn hoá?
Đó là sự nguỵ biện cho thói quen, lối sống tuỳ tiện của một bộ phận không nhỏ của người dân thành phố. Những yếu tố này đã phá vỡ cấu trúc, làm mai một vẻ đẹp vốn có của văn hoá vỉa hè trong ký ức hàng trăm năm của người dân Sài Gòn”- ông chia sẻ thêm.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân nói không nên “cấm cửa” hoàn toàn các quán ăn vỉa hè ở TP, vì đây cũng là “cần câu cơm” của hàng trăm ngàn gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Kinh tế vỉa hè tại TPHCM ở thời điểm hiện tại cung ứng đến 30% việc làm và đáp ứng cho khoảng 40% nhu cầu ăn uống của người dân.
Con số này sẽ còn tăng lên khi hoạt động buôn bán, dịch vụ ăn uống vỉa hè được sắp xếp, quản lý một cách khoa học, hợp lý nhằm tăng hơn nữa sức hút dịch vụ và tiêu thụ, đặc biệt với khách du lịch đến đây.