Vỉa hè đường Phạm Hùng có chiều rộng mặt cắt ngang từ 5 đến 7 mét, nhưng đoạn đi qua bến xe Mỹ Đình vừa được dựng hàng rào quây kín. |
Ngoài mặt tiếp giáp với lòng đường là hàng rào sắt cao khoảng 0,5 mét, hai đầu vỉa hè đoạn qua bến xe Mỹ Đình cũng bị "khóa" bởi nhan nhản những cột hàng rào dựng so le. |
Do có hàng rào ngăn cách, lối tiếp cận vỉa hè nhỏ, xa nên nhiều người đi bộ trên đường Phạm Hùng những ngày qua đã đi dưới lòng đường. |
Thậm chí, tại vị trí vỉa hè có điểm chờ xe buýt, hành khách hay đứng để lên xuống xe cũng bị hàng rào bịt lại. |
Do lối kết nối với xe buýt từ vỉa hè bị bịt, những ngày qua hành khách chờ xe buýt trên đường Vành đai 3 và bến xe Mỹ Đình đang phải đứng thành hàng ngang ở mép vỉa hè rất bất tiện, phản cảm như thế này. |
Tại phố Nghiêm Xuân Yêm - vỉa hè đoạn từ tòa nhà CT1 khu đô thị Bắc Linh Đàm đến hết cầu Dậu cũng bị hàng rào bịt lại, người đi bộ phải len lỏi chui rào mới sử dụng được vỉa hè. |
Dọc đường Vành đai 3 đang có đến 3 vị trí vỉa hè bị hàng rào sắt vây xung quanh. Tình trạng này đã khiến xảy ra nghịch cảnh: bên trong hàng rào sắt vỉa hè rộng thênh thang, không được sử dụng đúng mục đích, bên ngoài hành khách phải đứng vạ vật để bắt xe buýt. |
Trên đường Hồ Tùng Mậu do nhiều học sinh, sinh viên khó tiếp cận vỉa hè, đành đi dưới lòng đường. |
Bờ rào sắt dựng cao khó bước qua nên nhiều học sinh, sinh viên lựa chọn đi dưới lòng đường. |
Vỉa hè đường Hồ Tùng Mậu đoạn qua Đại học Thương Mại, Sân khấu Điện ảnh từ hôm có bờ rào sắt quây kín nên nhiều quán vỉa hè lại có "không gian" để hoạt động. |
Ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện một số vị trí vỉa hè trên các tuyến phố gồm: Nghiêm Xuân Yêm, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu và Lê Văn Lương - Tố Hữu, Giải Phóng, Ngọc Hồi, Pháp Vân… bị dựng hàng rào sắt “bịt” xung quanh, thậm chí chặn cả các vị trí người dân kết nối với xe buýt từ vỉa hè.
Lý giải cho việc này, đơn vị lắp đặt là Ban Duy tu Các công trình hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, là để ngăn xe máy đi lên vỉa hè, đảm bảo trật tự giao thông.