Tràn lan “thần dược”
Khu đông dược ở chợ Urussey nằm giữa lòng thủ đô Phnôm Pênh. Nơi đây với hàng chục ki-ốt dược liệu bán đủ thứ cỏ cây, côn trùng, động vật từ khắp các vùng của Campuchia. Người dẫn đường kiêm phiên dịch cho chúng tôi tên Cham Sắc, 40 tuổi, có mẹ người Việt, bố là người Hoa. Sắc rành rẽ cả ba thứ tiếng nên hay làm hướng dẫn viên cho người Việt và Hoa mỗi khi sang đây săn “thần dược”.
“Ngày nào tôi cũng dẫn cả trăm người ở Sài Gòn sang khu chợ thuốc ở Urussey săn tìm các loại thảo dược, vị thuốc được cho là chữa ung thư và yếu sinh lý”- Cham Sắc tiết lộ. Ghé vào một cửa hàng trong chợ, mấy vị thuốc lạ như: Mai cua, xác rắn, yếm rùa, vỏ sam, sao biển, và nhất là yếm với đầu baba cùng cóc đã phơi khô, nấm linh chi bán tràn lan.
“Mấy ông thầy Tàu tới đây là mua yếm mai cùng đầu baba làm thuốc. Họ nói chữa ung thư, nhưng có người bảo họ mua về bào chế thành thuốc cho ông uống bà khen”, Cham Sắc hóm hỉnh. Bà Thi La, chủ cửa hàng gốc người Hoa bê rổ đầu baba ra phơi nắng và mời khách mua.
Thấy chúng tôi quan tâm tới món “đầu baba tráng dương” này, bà tiết lộ: “Ngộ lấy đầu con baba này nghiền thành bột uống vào là chữa được bệnh yếu sinh lý của đàn ông đó”? Người này cho biết ở Campuchia con baba là “condi”, tùy đầu baba lớn nhỏ, giá từ 5.000 đến 10.000 rieal (tương đương 20.000-50.000 đồng).
Khoảng 9h sáng, một người đàn ông gốc Hoa ngoài 50 tuổi, đi xe tuk tuk đến một quầy hàng gom hơn 200 đầu baba và không tiết lộ mua số lượng lớn làm gì khi chúng tôi hỏi. Chủ một cửa hàng không giấu giếm: “Ông ấy là thầy thuốc gốc Hoa ở Sài Gòn sang mua. Ổng không tiết lộ bí quyết nghề nghiệp với người lạ đâu!”.
Cùng với mai và đầu baba, các quầy bán ở đây còn phơi nắng hàng nghìn con cóc tía mà người Việt quen gọi “cậu ông trời”. Cóc được người bản xứ gọi là con-kố. Loại cóc được phơi khô ở khu chợ đông dược Urussey này có nguồn gốc tại Biển Hồ, cách Phnôm Pênh khoảng 300km. Sau khi bắt được, người ta mổ bỏ nội tạng, phơi khô rồi tập kết về Urussey để từ đó phân phối cho các nhà thuốc khắp lãnh thổ Campuchia và bán cho người Việt.
Chị Thu Minh (46 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) mua 5kg cóc khô và cho biết số này sẽ được làm thuốc chữa bệnh được đồn thổi là chống bị ung thư máu. “Bột cóc chữa ung thư rất hay, chữa được nhiều dòng ung thư, trong đó có bệnh máu trắng”- chị này nói. Theo chị Minh, chồng chị không chịu chữa theo Tây y.
Nghe đồn thổi bột cóc chữa được ung thư nên sang cầu may. Một ký lô cóc khô giá chưa đến 1 triệu đồng tiền Việt, được cho là chữa được ung thư nên khách Việt mua tấp nập. Anh Hòa (37 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) đang lúi cúi lựa cóc. Người này tự tin: “Mua cóc về xay thành bột cho mẹ già ngoài 80 tuổi bị ung thư gan giai đoạn cuối em à”.
“Thần dược” nấm linh chi cũng bán tràn ngập ở chợ này. Khi chúng tôi đang loay hoay tìm hiểu về các loại dược liệu tại chợ Urussey bỗng nghe thấy tiếng người Việt vọng gần. Làm quen mới hay, cả nhóm 3 người từ TPHCM lặn lội qua đây cũng chỉ vì mục đích “xuất ngoại tìm nấm”. “Nấm linh chi ở đây mọc ở trên núi Tà Lon, miền đất thiêng của các đạo sĩ nên rất công hiệu”- bà Thu Vân (52 tuổi, ngụ phường Phước Long B, quận 9, TPHCM) vừa xem vừa khoe.
Theo bà Vân, chồng mình bị ung thư gan. Sau giai đoạn hóa trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, để tăng cường sức khỏe cho chồng, một lương y tư vấn “nên cho ông nhà dùng linh chi để bảo vệ gan, cô lập và ức chế sự phát tán của tế bào ung thư” nên bà Vân làm theo.
Chả biết thực hư thế nào, nhưng bà Vân cho hay, ở Việt Nam có nhiều nấm, kể cả từ Hàn Quốc nhập về nhưng thật giả lẫn lộn nên phải đến tận Campuchia. Sau khi hất qua đá lại, bà Vân mua gần chục cái nấm linh chi, mỗi nấm từ 2-3kg. “Giá bán được tính bằng đôla, mỗi ký tùy chủng loại có giá từ 70-200 USD”- chủ cửa hàng chợ này nói.
Nấm linh chi đủ loại thật giả lẫn lộn với giá hàng triệu đồng/kg bán tràn lan ở chợ dược Urussey.
Đi cùng đoàn với bà Vân là ông Đỗ Thái Mỹ (54 tuổi, chủ doanh nghiệp ngành xăng dầu tại quận Thủ Đức) quyết định mua nấm lim xanh được quảng cáo ầm ĩ trên nhiều kênh thông tin đại chúng hơn 5 triệu đồng/kg.
Và sự thật...
Núi Tà Lon (Bokor) ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, nằm cách thị xã Kampot, tỉnh Kampot khoảng 10km. Đây được các chủ cửa hàng đông dược “nổ” có loại nấm linh chi trị bá bệnh… Nhưng theo y sinh Tuệ Lâm - Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác TPHCM khi chúng tôi bắt gặp ở “xứ chùa tháp” để tìm hiểu về các loại thảo dược xứ Cao Miên mới biết được núi Tà Lon không phải vùng phân bố của các loài linh chi có giá trị dược liệu.
“Không riêng gì chợ đông dược Urussey, tại các điểm du lịch giáp Campuchia ở Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang hay Thạch Động, khu vực đối diện chùa Phù Dung, khu vực bên hông Nhà thờ Mạc Cửu… người ta cũng bán những tai nấm được gọi là linh chi với tiết lộ được lấy từ ngọn núi thiêng Tà Lon. Nhưng sự thật không phải như vậy”- y sinh Tuệ Lâm lý giải.
Dành phần lớn thời gian chuyên nghiên cứu về nấm linh chi, Tuệ Lâm cho biết cây cối ở dãy núi Bokor nhỏ thấp do thổ nhưỡng không màu mỡ, và vì thời tiết khá oi bức vào mùa khô nên nấm linh chi không mọc ở núi này. “Có chăng chỉ là những tai nấm gỗ không có giá trị dược liệu mà nhiều người lầm tưởng là linh chi”- Tuệ Lâm cho hay.
Y sinh Tuệ Lâm cho biết có rất nhiều loại linh chi được bán ở Urussey được tìm thấy nhiều ở núi rừng Việt Nam. Điều trớ trêu ở chỗ, tại núi rừng Tây Nguyên, các tai nấm ấy chỉ là hàng phế thải nhưng ở chợ Urussey, nó được thổi là “thần dược” với giá hàng triệu đồng/kg.
Còn lương y Nguyễn Trọng Bá giải thích: “Điểm nhận biết những loại nấm gỗ ấy là mặt trên và mặt dưới tai nấm cùng một màu. Riêng những tai nấm hồng chi được đựng trong bọc nilông, đó là loại nấm trồng, giá chỉ vài trăm ngàn một ký lô chứ không lên đến hàng triệu đồng như vậy”.
Bà H. chủ một ki-ốt bán nấm linh chi tin chúng tôi đi tìm dược liệu “quý” về cho người thân bị bệnh nặng, tiết lộ: “Hầu hết nấm linh chi ở đây là mình nhập từ nơi khác về, mà nấm cổ linh chi là nhiều (giá trị dược liệu kém, ở Việt Nam thường dùng bào chế thành trà), chứ núi Tà Lon làm gì có nấm linh chi. Muốn hết bệnh thì về Việt Nam nhờ người đồng bào leo núi tìm giúp mang về uống”.
Mổ xẻ cóc phơi khô làm thuốc ở quận ngoại thành Miêng Chay
Còn Tuệ Lâm cho biết mai baba hay còn gọi “miết giáp” nướng tán thành bột uống với rượu, giúp ích cho những người lao lực quá độ, người bị đau nhức xương… Còn đầu baba thì có tác dụng bổ khí trợ dương, riêng thịt thì giúp ích thận, tráng dương cho phái mạnh”. Tuy nhiên, việc quảng cáo rằng baba trị được bá bệnh, và baba tự nhiên ở Campuchia là vị thuốc như “thần dược” là quá thổi phồng.
Đến chiều, lượng khách người bản xứ và từ Việt Nam sang Campuchia tìm mua “thần dược” chữa bệnh càng tấp nập. Không biết có ai trong số họ đã và đang bị “tiền mất tật mang” vì các loại dược liệu ở bên kia biên giới không được kiểm chứng với những lời đồn thổi “thần dược”?!
Sự sùng bái “thần dược” của người Việt được hà hơi tiếp sức bởi khá nhiều hướng dẫn viên du lịch ở Campuchia và Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các đoàn khách sang Phnôm Pênh đều được giới thiệu đến tham quan mua sắm ở chợ này. Và họ không thể bỏ qua “khu vực biệt dược Urussey”, bởi những lời quảng cáo có cánh về hàng trăm thứ cỏ cây, động vật đều có thể trị được bách bệnh nơi đây. Tuy nhiên, sự thật không như mọi người tưởng.