498 giờ nộp thuế - gấp 2,5 đến 7,75 lần các nước cùng khu vực
Theo ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm công tác Thuế và Hải quan, hai lĩnh vực này ảnh hưởng rất nhiều đến việc làm thế nào để nâng cao lợi ích về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Bởi lẽ, thuế tác động đến mọi doanh nghiệp (DN), dù ở quy mô nào hay thuộc quốc tịch nào, còn hải quan tác động đến mọi DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan bày tỏ vui mừng trước nhiều tiến bộ tích cực của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính Việt Nam) về khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử trong mấy năm.
Đồng thời, ông Mark Gillin cũng đánh giá cao những thành công gần đây của Tổng cục Hải quan (TCHQ) như chuyển sang thanh kiểm tra dựa trên mức rủi ro, xây dựng, theo dõi các chỉ tiêu KPI như thời gian thông quan.
Điều cần đặc biệt quan tâm bây giờ, theo ông Mark Gillin là những rủi ro và sự thiếu ổn định của cơ chế thuế.
“Tỉ lệ tổng số tiền thuế trên lợi nhuận ở Việt Nam là 38%, và khi bảo hiểm xã hội tăng, con số này cũng tăng theo, khiến các DN Việt Nam rơi vào thế bất lợi rõ ràng nếu tính trên tổng chi phí thuế. Tuy nhiên, chi phí thuế thực còn cao hơn cả con số công bố. Các cơ quan thuế địa phương thường ấn định chỉ tiêu nộp ngân sách cho từng DN trong quá trình thanh kiểm tra. Kể cả khi cán bộ thuế biết rõ chưa đến kỳ nộp thuế nhưng họ sẽ vẫn cố tình tìm kiếm dấu hiệu vi phạm, mà thực chất có thể nói là sách nhiễu DN cho đến khi nộp đủ “chỉ tiêu”, ông Mark Gillin cho hay.
Theo nhóm công tác này, ngoài việc có mức tổng thuế suất trên lợi nhuận chính thức cao nhất Châu Á, DN ở Việt Nam thường còn phải nộp thêm tiền thuế khi quyết toán thuế. Việc quyết toán thuế cũng làm hao tốn nhiều thời gian quý báu của DN và tạo kẽ hở để cán bộ thuế thao túng thu lợi cho bản thân. Và trong phần lớn trường hợp, tất cả những chi phí này sẽ dồn lên vai những DN làm ăn đứng đắn, chấp hành luật pháp.
Thêm vào đó còn có cả chi phí về thời gian. Theo báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian cần để thực hiện các quy định về kê khai nộp thuế ở Việt Nam là 498 giờ! Con số này cao gần gấp 3 lần Campuchia, 2,5 lần mức bình quân của Châu Á và những nước như Trung Quốc, Malaixia, gấp 7,75 lần Singapore và 6,8 lần Hồng Kông. Đó là chưa tính thời gian cần để thanh kiểm tra về thuế.
Theo Nhóm công tác Thuế và Hải quan, việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào quy trình quyết toán thuế làm công cụ thu ngân sách là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự thiếu ổn định. Đây là một cách làm vô cùng thiếu hiệu quả, một căn nguyên chính gây tham nhũng, và là nguyên nhân gây ra sự mất tín nhiệm ngày càng tăng của cơ quan thuế. Vấn đề này cần được xem xét, chấn chỉnh về cơ bản.
Theo ông Mark Gillin, Việt Nam nên so sánh đặc điểm của quy trình thanh kiểm tra, quyết toán thuế thông thường với những nước khác như Singapo. Ở Singapo, công tác thanh kiểm tra chủ yếu tập trung vào việc kiểm tra khách quan các dữ kiện, chủ yếu bằng cách đối chiếu chứng từ gốc. Thanh kiểm tra ở Singapo chỉ diễn ra trong vòng vài giờ hoặc một ngày. Trong khi, thanh kiểm tra, quyết toán thuế của Việt Nam thường kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần, từ đó làm giảm năng suất của cả doanh nghiệp và cơ quan thuế.
“Cơ quan thuế phải giải quyết vấn đề này ngay từ gốc bằng cách tìm ra nguyên nhân của những sự phức tạp, lúng túng trong quá trình thanh kiểm tra, quyết toán, và làm sao đơn giản hóa luật thuế”, ông Mark Gillin bày tỏ.
Kiến nghị bỏ thu thuế theo chỉ tiêu
Thực tế, theo Nhóm công tác về Thuế và Hải quan, việc bảo đảm chất lượng cao trong quản lý thuế, như giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, minh bạch từ phía cơ quan thuế mới thực sự là yếu tố giúp tăng nguồn thu.
Ngoài ra, theo vị trưởng nhóm Mark Gillin, cần tiếp tục triển khai thu thuế điện tử/hải quan điện tử.
“Cần chấm dứt chế độ định hạn mức hay chỉ tiêu thu thuế của cơ quan thuế trong hậu kiểm/quyết toán. Cách làm này chỉ làm tăng hành vi sách nhiễu, tạo kẽ hở để cán bộ thuế đòi hỏi 'lợi ích' từ quá trình thanh kiểm tra, và vì thế sẽ khiến cán bộ thuế không bảo đảm được sự khách quan, công bằng khi hậu kiểm/quyết toán thuế”, vị trưởng nhóm bày tỏ.
Cùng với đó, Nhóm công tác Thuế và Hải quan cũng kiến nghị nhiều giải pháp khác như giảm hay quy định mức trần thuế phạt, lãi phạt gộp;
Phát hiện sớm, thông báo, thanh kiểm tra những doanh nghiệp “có rủi ro” cũng là một giải pháp theo nhóm công tác này cần được chú trọng. “Cần thực hiện thông báo một vài tháng trước khi kết thúc năm. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ sớm phát hiện được những sai sót, bảo đảm tuân thủ sớm và tránh được những khoản tiền thuế phạt, lãi phạt nặng”, nhóm này phân tích...
Phản hồi về những kiến nghị này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, Bộ xin ghi nhận và tiếp tục cam kết với các DN, hiệp hội DN tiếp tục nỗ lực, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, cũng như hiện đại hóa, điện tử hóa các quy trình quản lý thuế và hải quan.
Theo bà Mai, hiện Việt Nam đang triển khai áp dụng quản lý hải quan tự động tại các cảng biển lớn của Việt Nam như Hải Phòng, TP.HCM...,giúp giảm thiểu chi phí, thời gian cho DN và các bên liên quan.
Bộ cũng đang xây dựng Nghị định về kiểm tra chuyên ngành để pháp luật hóa tất cả các nội dung cải cách mà Thủ tường và Chính phủ đã chỉ đạo, với mục tiêu giảm thiểu hàng rào phi thuế quan để thực hiện hiệp định tạo thuân lợi thương mại mà Việt Nam tham gia. Những vướng mắc cục thể về thuế và hải quan, Bộ xin ghi nhận và gửi TCT, TCHQ xem xét giải quyết và trả lời cho DN. Bộ cũng xin ghi nhận để rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng kiến nghị liên quan tới chính sách, thủ tục.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp, Bộ sẽ tổng hợp những kiến nghị của cộng đồng DN báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi luật pháp, chính sách, đồng thời chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc của cộng đồng DN.