Cán bộ Đoàn phải nâng mình lên

Cán bộ Đoàn phải nâng mình lên
TPO – “Người cán bộ Đoàn phải không ngừng học tập, nâng mình lên, đủ kỹ năng bản lĩnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế” – Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng trả lời câu hỏi của Tiền phong trong chương trình "Đối thoại trẻ".
Cán bộ Đoàn phải nâng mình lên ảnh 1
Anh Võ Văn Thưởng trong chương trình Đối thoại trẻ tối 9/1. Ảnh: Phan Kiền. 

Tối 9/1, tại trường quay S10 của Đài Truyền hình Việt Nam, anh Võ Văn Thưởng – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - đã đối thoại trực tiếp với thanh niên. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6

Trong hai giờ đồng hồ, anh Thưởng đã trao đổi thẳng thắn với các bạn trẻ trong nước và cả nước ngoài nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức Đoàn và thanh niên.

Tiền phong: Một đoàn tàu muốn đi đúng hướng và nhanh là do đầu tàu, vậy theo anh, người thủ lĩnh cần có những tố chất gì để đoàn tàu thanh niên Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong quá trình hội nhập quốc tế?

Tôi không nhận mình là đầu tàu mà chỉ là một thành phần quan trọng của đầu tàu đó thôi. Theo tôi, một đoàn tàu để đi nhanh không chỉ cần có đầu tàu, mà cần có cả toa tàu.

Để đoàn tàu thanh niên Việt Nam đi nhanh, mạnh, vững chắc không chỉ cần người cán bộ Đoàn giỏi, mà còn cần có sự cố gắng, đóng góp cống hiến hết mình của mỗi đoàn viên thanh niên.

Người cán bộ Đoàn phải không ngừng học tập, nâng mình lên, đủ kỹ năng bản lĩnh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

MC Hữu Bằng: Theo cuộc thăm dò ý kiến trên báo Tiền phong Điện tử (www.tienphong.vn) trong một tháng, với câu hỏi: Tổ chức Đoàn cơ sở đã thực sự trở thành bạn đồng hành của thanh niên? đã thu được kết quả sau: 55% chưa đồng ý, 35% đồng ý, 10% có ý kiến khác. Anh nghĩ gì về kết quả đó?

Tôi cho rằng, đây là kết quả thăm dò một cách ngẫu nhiên đối với những bạn vào trang tienphong.vn và internet. Nó chưa phản ánh hết những thực lực, những kết quả mà hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên đạt được trong thời gian qua.

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX cũng đã nghiêm khắc nhìn nhận rằng, tổ chức Đoàn cơ sở ở nhiều nơi hiện còn yếu, thậm chí rất yếu. Những đoàn viên ở nơi mà tổ chức cơ sở Đoàn yếu đó sẽ không thấy được sức mạnh của đoàn, không thấy được sự hỗ trợ của đoàn đối với bản thân mình trong quá trình học tập, lập thân, lập nghiệp.

Điều đó làm cho các bạn ấy có những nhận định về tổ chức đoàn chưa thực sự là người bạn đồng hành của thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

MC Hữu Bằng: Anh có nghĩ bản thân mình có phần nào đó tụt hậu so với thanh niên?

Trong nhiều cuộc trò chuyện với bạn trẻ, tôi tự thấy mình có nhiều điểm tiến bộ hơn thanh niên, nhưng cũng có nhiều điểm tụt hậu hơn thanh niên. Chẳng hạn như kiến thức tin học, ngoại ngữ, tôi không được như các bạn trẻ khác.

Gần gũi với thanh niên

Ngô Thành Vũ - Sinh viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn: Với tư cách là thủ lĩnh, theo anh, hiện nay tổ chức Đoàn đã hiểu được tâm tư nguyện vọng cũng như mong muốn của thanh niên trong quá trình lập thân lập nghiệp rất khó khăn của họ?

Tôi không dám nhận mình là thủ lĩnh của Đoàn, mà chỉ là một cán bộ Đoàn được đông đảo các đoàn viên, tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.

Câu hỏi của bạn đặt ra rất thú vị không chỉ cho tôi và các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn, mà đối với tất cả các cán bộ đoàn ở các cấp khác nhau.

Tôi nghĩ, nếu tổ chức Đoàn thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của đoàn viên, thanh niên, dẫn dắt thanh niên đến với những lý tưởng cao đẹp và đồng hành cùng với thanh niên trong lập thân lập nghiệp thì phải hiểu được những vấn đề của thanh niên.

Trong thời gian vừa qua, cán bộ Đoàn dù ở bất kỳ cấp nào, cũng đã gắn bó mật thiết, liên hệ mật thiết với thanh niên.

Các bạn trẻ hiện nay có những điều kiện rất khác nhau, sinh ra trong những môi trường khác nhau, làm việc trong những môi trường khác nhau, nhưng đều có 4 nhu cầu rất chính đáng mà tổ chức Đoàn cần phải quan tâm giải quyết:

Thứ nhất, làm sao để được học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ;

Thứ hai, được hướng nghiệp, được học nghề được tìm kiếm việc làm để giải quyết thu nhập cho bản thân mình, cho gia đình và góp phần làm giàu cho xã hội;

Thứ ba, làm thế nào để đời sống văn hóa tinh thần được sâu đậm;

Thứ tư, có những kỹ năng cần thiết để khi tham gia hoạt động các nhóm, các hoạt động xã hội thì chúng ta có thể ứng xử tốt với những tình huống đặt ra.

MC: Như anh nói, Đoàn giúp đỡ thanh niên vượt qua những khó khăn, vậy anh có thể nói cụ thể hơn không?

Đại hội Đoàn toàn quốc vừa qua cho thấy trong một nhiệm kỳ, chúng ta tổ chức được cho 1.200.000 thanh niên tham gia vào các hoạt động hướng nghiệp, đi vào các trường nghề, làng nghề, vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, để tìm hiểu về nghề nghiệp tương lai của mình; giới thiệu việc làm cho 3 triệu đoàn viên thanh niên.

Trong mùa hè thanh niên tình nguyện vừa qua, với các hoạt động hỗ trợ các bạn thí sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên thành phố thi đại học, tổ chức Đoàn ở các trường đại học và các bạn sinh viên đã hỗ trợ cho gần 1 triệu lượt thí sinh từ quê lên thi đại học, tìm được vé xe buýt miễn phí, thuê được nhà trọ giá rẻ, tìm được địa điểm thi…

Cảm giác của anh khi được kết nạp vào Đoàn như thế nào?

Tôi nhớ ngày vào đoàn của mình là 25 tháng 3 năm 1985. Năm đó, tôi là học sinh phổ thông trung học.

Tôi được kết nạp Đoàn trong một đêm lửa trại, tái hiện hoạt cảnh đấu tranh của anh hùng Lưu Văn Liệt và học sinh, sinh viên Vĩnh Long. 

Cho đến bây giờ và cả sau này nữa, tôi vẫn nhớ mình được kết nạp Đoàn như thế nào và tôi coi ngày đó như một kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời trai trẻ của mình.

Có thể kể ra được rất nhiều những điển hình như vậy nữa, tuy nhiên, chúng tôi cũng ý thức được rằng, những hoạt động đó là chưa nhiều, chưa phủ kín hết được tới những bạn chưa được quan tâm, chưa được hỗ trợ từ tổ chức đoàn.

Nguyễn Thị Phương Thảo, học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam: Bạn em rất thông minh, sáng tạo và nhiệt tình. Bạn ấy có khả năng để trở thành một cán bộ đoàn giỏi nhưng trong lần ứng cử vào cán bộ đoàn thì lại không được các thầy cô ủng hộ vì ăn mặc kiểu hiphop, nhuộm tóc và đeo khuyên (dù là con trai). Anh suy nghĩ thế nào về tình huống này?

Tôi nghĩ đã là cán bộ đoàn thì phải chia sẻ được với nhiều người và được mọi người chia sẻ. Người cán bộ đoàn phải gần gũi với thanh niên, mà muốn vậy thì phải gần gũi ngay từ cái nhìn ban đầu.

Bạn dù có đẹp trai, giỏi giang, năng động tới đâu, nhưng cách ăn mặc không phù hợp với mọi người xung quanh, thì tôi nghĩ, sẽ không được mọi người đồng tình, chia sẻ.

Dĩ nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi mà chúng ta đang hội nhập quốc tế, những cách ăn mặc đó không cấm, nhưng tôi nghĩ rằng, sẽ không có nhiều người chia sẻ. Nếu bạn không được mọi người chia sẻ thì không thể trở thành cán bộ đoàn được.

Cán bộ Đoàn phải nâng mình lên ảnh 2
Anh Võ Văn Thưởng (áo trắng) tại trường quay. Ảnh: Phan Kiền

MC: Nếu như một Đoàn cơ sở toàn những đoàn viên ăn mặc mốt, nhuộm tóc, mời anh đến tham dự một buổi họp và họ cũng muốn anh ăn mặc như họ, anh sẽ xử lý như thế nào?

Tôi sẽ đến với họ nhưng dứt khoát không ăn mặc theo họ. Tôi tôn trọng tính cách cá nhân của họ, nhưng khi họ hỏi có đẹp không, thì tôi sẽ nói là không đẹp.

Nâng cao trình độ

Một sinh viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn: Theo một số thông tin, trong đại hội Đoàn toàn quốc lần IX chỉ có dưới 50% đại biểu tham gia tốt nghiệp đại học. Ngoài ra, trên thực tế, một số cán bộ Đoàn đang làm việc có trình độ văn hóa không cao?

47% đại biểu dự đại hội Đoàn có trình độ tốt nghiệp đại học và trên đại học nhưng đó không phải là tất cả cán bộ Đoàn.

Chúng tôi biết trình độ các cán bộ Đoàn, đặc biệt ở phường xã, hiện nay chưa cao. Mỗi xã có 2 cán bộ, chúng ta có khoảng 11.000 xã thì sẽ có 22.000 cán bộ. Đúng là số này trình độ văn hóa còn thấp so với thanh niên, nhưng nó lại tương đối với mặt bằng chung của thanh niên xã.

Vì thế, không có chủ trương cán bộ Đoàn phải tốt nghiệp đại học ở tất cả các môi trường. Cái quan trọng là mỗi môi trường công tác, người cán bộ Đoàn là người xuất sắc trong số thanh niên ở đó.

Cao Hoàng Hải: T.Ư Đoàn có làm quyết liệt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn?

Để thực hiện được nội dung chương trình công tác đã đề ra, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải nâng cao đội ngũ chất lượng cán bộ Đoàn để đội ngũ này vững mạnh, đủ khả năng triển khai những nội dung công tác của Đoàn. Vì thế, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ được triển khai quyết liệt thời gian tới.

Chúng tôi xác định môt số chương trình, trong đó có huấn luyện bắt buộc đối với chức danh của đoàn, đặt biệt với bí thư tỉnh thành đoàn và quận huyện đoàn; chỉ đạo cho các thành đoàn tập huấn cho các bí thư đoàn xã với những chương trình bắt buộc hàng năm.

Tôi nghĩ, các bộ đoàn không những chỉ có bằng cấp chuyên môn, trình độ học vấn mà nhiều cán bộ đoàn trong từng lĩnh vực công tác đòi hỏi phải có kiến thức rộng hơn rất nhiều. Những lớp tập huấn này sẽ cung cấp cho cán bộ đoàn kiến thức về chính trị, kinh tế, quốc tế, văn hóa… để có kiến thức trao đổi với thanh niên.  

Trao đổi với Tiền phong ngay sau chương trình đối thoại, anh Võ Văn Thưởng cho biết:

Cuộc đối thoại hôm nay rất cởi mở và thẳng thắn. Tôi cũng học tập được nhiều điều từ những câu hỏi mà các bạn trẻ đặt ra.

Tôi rất vui vì đông đảo đoàn viên quan tâm tới hoạt động của Đoàn.

Liên kết online

Nguyễn Phương Mai – Học sinh trường THPT Hà Nội Amsterdam: Blog hiện nay đang là phương tiện trao đổi quen thuộc của các bạn trẻ, tại sao Đoàn không tạo một blog làm cầu nối, vừa gần gũi vừa thân thiện với mọi đoàn viên thanh niên?

Cán bộ Đoàn không biết chat, làm blog hay sử dụng internet là lạc hậu. Hiện nay, T.Ư Đoàn, một số Đoàn cơ sở có các trang web nhưng chưa hay, sinh động. Bên cạnh đó, Đoàn còn có những tờ báo trực thuộc như Tiền phong Online, Tuổi trẻ online, Thanh niên Online....

Theo tôi hiểu, blog là nhật ký điện tử, là nơi để các bạn có thể chia sẻ nhưng điều các bạn muốn nói nhưng chưa có điều kiện được nói. Còn tôi, có phần may mắn hơn, là có cơ hội được chia sẻ điều mình muốn nói, những điều tôi suy nghĩ, trăn trở với cán bộ, đoàn viên và mọi người xung quanh trong ngày.

Với cá nhân, tôi không cần dùng đến blog. Thời gian qua, tôi có vào blog, forum của nhiều bạn trẻ, hiểu được bạn trẻ. Hình như, tôi thấy trên các forum, blog các bạn trẻ nói dối nhiều hơn (cười).

Các bạn có thể liên lạc với tôi qua địa chỉ email: thuongq12@yahoo.com.

Thu Nga (từ Mỹ): TƯ Đoàn có chính sách gì thu hút du học sinh về nước sau tốt nghiệp để có những đóng góp thiết thực cho quê hương?

Thanh niên Việt Nam đang học tập, công tác ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên hiện nay. Việc kết nối giữa tổ chức đoàn, giữa thanh niên trong nước với thanh niên học tập, công tác ở nước ngoài là nhiệm vụ rất quan trọng.

Hiện nay, T.Ư Đoàn có tổ công tác thanh niên ngoài nước, do tôi làm tổ trưởng. Ngay sau Tết nguyên đán, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng đi khảo sát tình hình thanh niên ở một số nước, để trao đổi, chia sẻ thông tin.

Chúng tôi đặt ra chương trình mỗi năm làm một hai lần như thế để cung cấp thông tin cho các hội sinh viên ở nước ngoài, nhằm giúp các bạn nắm bắt được tình hình trong nước, cũng như giúp đỡ nhau trong quá trình công tác ở nước ngoài.

Trần Hồ Phương (Singapore): Anh có nhận thấy Trung ương Đoàn nên có kênh thông tin và các hoạt động kết nối đoàn viên trong và ngoài nước hay không?

Chúng tôi đang có dự án nâng cấp trang web của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trở thành cổng thông tin điện tử phục vụ học sinh sinh viên trong và ngoài nước.

Ở cổng thông tin này sẽ có các diễn đàn trao đổi giữa các cán bộ đoàn trong nước với các đoàn viên thanh niên đang học tập ở nước ngoài. Tôi tin rằng đây sẽ là kênh trao đổi thông tin hữu hiệu trong điều kiện hiện nay.

MỚI - NÓNG