Sáng nay (12/8), tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Tiếp cận thông tin, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, dự thảo luật vẫn có những điểm không rõ ràng, thậm chí dễ xảy ra mâu thuẫn. Chẳng hạn, dự thảo luật quy định về những vấn đề các Bộ phải trả lời, nhưng trên thực tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có nhiều vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia nên không trả lời.
Ông Sơn cũng cho rằng, luật Tiếp cận thông tin cần phải mở rộng hơn phạm vi cung cấp thông tin. Ông Sơn ví dụ: “Đồng chí Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng đi chữa bệnh, người ta quan tâm đến tình hình sức khỏe của đồng chí ấy ra sao? Khi chưa có luật thì thông tin này là bí mật. Nhưng tôi nghĩ, một cán bộ đi chữa bệnh có gì đâu mà phải bí mật? Càng bí mật có khi lại càng làm phức tạp thêm tình hình”.
Ông Sơn đề nghị cần phải rà soát, "đã mở phải cố gắng mở, cái gì tối mật không được cung cấp thì phải nói rõ".
Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, quy định từ luật này dễ xảy ra mâu thuẫn trong việc cung cấp thông tin. Ông Thi ví dụ về việc cung cấp thông tin học phí, viện phí.
“Tại sao trường công lập công bố thông tin học phí, còn ngoài công lập lại không cho dù bản chất thông tin như nhau và cùng tác động đến người dân. Viện phí cũng vậy”, ông Thi đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, nhu cầu được tiếp cận thông tin của người dân là nhu cầu thực sự và thiết thực. “Tôi đang nghe có vùng dịch bệnh, không biết đã lan đến vùng này chưa nên tôi muốn biết thông tin. Học phí, viện phí phải minh bạch, sao bí mật được? Luật này phải giải quyết được điều đó, để dân tiếp cận thông tin thực sự, phục vụ thiết thực trong cuộc sống hàng ngày”, bà Mai nói.