Cần 270.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt là “xương sống” bảo đảm lưu thông năng lượng, “huyết mạch” cho nền kinh tế.

Chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch), ngày 30/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lại những bất cập, biến động của thị trường xăng dầu những tháng cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Cần 270.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo ông Hà, Quy hoạch là “xương sống” bảo đảm lưu thông năng lượng, “huyết mạch” cho nền kinh tế, vì vậy, phải được tính toán dựa trên các yêu cầu thực tiễn; đồng thời giải quyết các “bài toán” về dự báo nhu cầu thị trường, phù hợp với những quy hoạch về đất đai, môi trường, năng lượng, giao thông, đô thị…

Ông Hà nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, khó khăn, bất ổn, có thể gây ảnh hưởng lập tức đến thị trường trong nước.

Do đó, Quy hoạch đòi hỏi độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của thực tiễn và dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Công thương cho biết, hiện chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia. Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.

Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ…

Trong khi đó, sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đưa vào hoạt động. Việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến các hộ tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do khi quy hoạch các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.

Do đó, Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.

Theo Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng, được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

MỚI - NÓNG