Hà Nội:

Cấm xe máy từ năm 2025?

Dự báo đến 2020 Hà Nội sẽ có 1 triệu ô tô và 7 triệu chiếc xe máy gây quá tải trầm trọng cho nội đô. Ảnh: Như Ý
Dự báo đến 2020 Hà Nội sẽ có 1 triệu ô tô và 7 triệu chiếc xe máy gây quá tải trầm trọng cho nội đô. Ảnh: Như Ý
TP - Một trong những giải pháp trọng tâm giai đoạn 2016-2020 được Hà Nội đưa ra là phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó định hướng đến 2025 sẽ dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân. 

Đây là nội dung quan trọng trong Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội đưa ra thảo luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ngày 27/6.

Theo đánh giá của Hà Nội, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển chưa đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị quá nhanh. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp; vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng được một phần yêu cầu.

Xem xét dừng lưu thông xe máy

Dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ôtô, 7 triệu xe máy. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới về phát triển giao thông vận tải là tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông, các công trình cấp bách đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông. Trong các giải pháp, Hà Nội định hướng tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, đến năm 2025 dừng lưu thông xe máy.

Theo Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Vũ Cao Minh, chỉ tiêu giảm dần phương tiện xe máy cá nhân rất khó để thực hiện. “Hiện nay người dân không chỉ dùng xe máy, mà còn dùng xe đạp điện, xe năng lượng mặt trời. Tôi nghĩ nên đặt ra đến 2020 giảm 50% phương tiện cá nhân thô sơ, bao gồm xe máy, xe đạp điện…”, ông Minh nói. 

Cũng theo ông Minh, có thể nghiên cứu hình thức giao thông trên tuyến sông Tô Lịch. “Sông Tô Lịch gắn bó với Hà Nội nên có nhiều ý nghĩa, nếu cải tạo vệ sinh môi trường, có thể khai thác cả về giao thông”, ông Minh nói. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Cty vận tải Hà Nội đề nghị thành phố nhanh chóng xây dựng đề án phát triển xe buýt, với việc tăng số đầu xe, đầu tuyến lên 1,5- 2 lần so với hiện nay. Ông Thường dẫn chứng, nhiều năm qua số lượng đầu xe buýt của Hà Nội vẫn là 1.000 chiếc trong khi nhu cầu sử dụng xe buýt của người dân là rất cao.

“Trong quy hoạch cần dự báo được tình hình, tránh tình trạng như tại quận Thanh Xuân, đến năm 2020 với nhiều khu chung cư, xấp xỉ 40 vạn dân, không có hạ tầng xã hội nào có thể tải nổi”.

Bí thư Quận ủy 

Thanh Xuân 

Vũ Cao Minh

Đề cập đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trong thời gian tới, sẽ hoàn thành đề án quản lý hệ thống giao thông trong đó có đề án tăng cường xe công cộng cũng như hạn chế các phương tiện cá nhân. “Hạn chế ở đây không gọi là cấm, vấn đề là phải đảm bảo được nhu cầu đi lại của người dân. Bởi trong thành phần không khí ô nhiễm của Hà Nội hiện nay, tỷ lệ ô nhiễm không khí do khói thải của ô tô, xe máy là rất lớn và có khả năng bao hàm cả thủy ngân, tác động rất xấu đến sức khỏe của người dân”, ông Hải nói. 

Không để “trên trải thảm, dưới rải đinh”

Thảo luận về Chương trình đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững (giai đoạn 2016-2020), Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi cho rằng, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là rất cần thiết, tuy nhiên, quan trọng là phải cơ cấu lại thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho công dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, đội ngũ công chức, viên chức, kể cả lãnh đạo vẫn còn tư duy vòng vo, nhũng nhiễu, gây phiền hà thì có đổi mới cơ chế đến đâu cũng không hiệu quả. Ông Khôi cũng cho rằng, thành phố cần quan tâm đến cơ chế chính sách về đất đai để thu hút đầu tư, điều chỉnh để giảm giá thuê đất.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, dù thành phố “trên trải thảm” để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng ở dưới thì vẫn còn hiện tượng “rải đinh lổn nhổn”. Cộng thêm những bất lợi không nhỏ khác về giá thuê đất của Hà Nội quá cao… nên thành phố muốn nâng chỉ số CPI, thu hút đầu tư vào Thủ đô, cần có cơ chế đặc thù.

Cấm xe máy từ năm 2025? ảnh 1

Hà Nội xem xét dừng lưu thông xe máy cá nhân vào năm 2025. Ảnh: Như Ý

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng, khâu tổ chức thực hiện mới quan trọng, trong đó phải đề cao vai trò của các sở, ngành. “Trong việc xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ cần rõ vai trò các sở ngành, tránh tình trạng có đoạn đường làm được thời gian ngắn lại có mấy ông đến đào, tháng sau lại có tổ khác đến đào tiếp, người dân rất bức xúc”, ông Việt nói. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhận định:  “Những việc thành phố đạt được rất đáng tự hào, nhưng những việc chưa làm được chúng ta phải nhìn thẳng vào”. Theo ông Hải khi đã kêu gọi các doanh nghiệp, phải xây dựng cơ chế 3 bên Nhà nước, doanh nghiệp, người dân cùng được lợi để tính đến lâu dài, đòi hỏi hệ thống hành chính phải động não, năng động sáng tạo hơn. 

“Tháng 9 này tiếp tục làm hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Phải thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, những khó khăn phải tháo gỡ cho doanh nghiệp bởi đó chính là nguồn lực, tác động đến tất cả chương trình của chúng ta. 

Doanh nghiệp phải trở thành hạt nhân. Nếu không đối thoại, tạo điều kiện thì không cách gì họ phát triển được. Chúng ta chỉ ngồi với nhau, mấy ông hành chính với nhau thì không ra được sản phẩm, không có tài chính và không nâng cao được năng lực cạnh tranh”, ông Hải nói. 


MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.