Cái thuở ban đầu dân quốc ấy

Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1, năm 1946. Ảnh: TL
Nhân dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội khóa 1, năm 1946. Ảnh: TL
TP - Ngó lại câu thơ của Xuân Diệu cái thuở ban đầu dân quốc ấy… cùng nhân một buổi ngồi với nhà sử học Dương Trung Quốc, tự dưng bâng khuâng một thời quá vãng.  

Nhà sử học kiêm Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc chợt chất giọng chùng xuống khi xa xăm thế này:

Bây giờ Quốc hội và thể chế dân chủ của chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng có những giá trị mà người xưa đặt nền tảng đến nay còn phải phấn đấu nhiều…

Kỳ I: Ông bố vợ nhà thơ Hữu Loan

Bảy mươi năm trước, cả nước gồm 333 đại biểu trúng cử trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 và 70 đại biểu không thông qua bầu cử của Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) theo thoả thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24/12/1945 giữa Việt Nam Ðộc lập Ðồng minh Hội (Việt Minh) với Việt Cách và Việt Quốc.

Với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 89%, 333 đại biểu đã được bầu từ 403 người ứng cử, trong đó có 10 đại biểu là nữ, 34 là người dân tộc thiểu số, 43% là không đảng phái và 87% là thuộc thành phần công nhân, nông dân hoặc tham gia cách mạng.

Và nữa, chút chi đó bồi hồi ngó lại danh sách Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa khóa I.

Lê Tất Đắc, Lưu Văn Bàn (Lưu Cộng Hòa), Nguyễn Văn Huê, Đặng Văn Hy, Lê Đỗ Ky, Nguyễn Xuân Ky, Hoàng Sĩ Oánh, Phạm Thúc Tiêu, Đặng Phúc Thông, Lê Trọng Thuần (Thoàn), Nguyễn Đình Thực, Lê Trần Đức, Nguyễn Hữu Ngọc, Nguyễn Văn Tĩnh (Tinh Hoa)    Nguyễn Vĩnh Thụy (Bảo Đại).

Mười lăm vị cả thảy. Bằng số với Quảng Nam, hai tỉnh có số ĐBQH đông nhất. Hà Nội cũng chỉ có 6. Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn… mỗi tỉnh 2 vị. Như Lào Cai chỉ 1.

Nhiều vị nổi tiếng như Lê Tất Đắc, từng là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Rồi như ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) chẳng hạn.

Bây giờ, tất nhiên, tất cả đã là người thiên cổ.

Có một vị, cụ Lê Đỗ Kỳ sinh năm 1904 mất 1954. Hậu thế bây giờ có lẽ không mấy người biết?

Với dung lượng của bài ghi chép ngắn này, người viết không có chủ đích phác họa chân dung vị ĐBQH khóa I Thanh Hóa Lê Đỗ Kỳ, mà chỉ là những tản mạn về một quá vãng…

Dòng họ Đái nước Nam ta thuộc loại ít, hiếm? Xứ Thanh lại càng đặc biệt. Có lẽ các nhà làm sử Thanh Hóa rồi sẽ tiếp tục nối dài việc vấn tổ tầm tông dòng họ Đái ngõ hầu để phong phú thêm sự sum suê các dòng họ chung của Việt Nam và riêng Thanh Hóa?

 Đầu thế kỷ XX, vùng Quảng Xương có cụ Đái Xuân Quảng dòng dõi nho học. Họ ấy nhiều người nổi tiếng. Riêng cụ Đái Xuân Quảng từng được bổ tri huyện Thạch Thành.

Lại cũng ngược thêm về dòng họ cụ Lê Đỗ Kỳ. Phả nhà Lê Đỗ, tôi đã cố công tra cứu và tìm hỏi nhưng cũng còn mù mờ sương khói lắm. Nghe nói dòng họ cụ vốn họ Đỗ nhưng không biết đến đời nào có người được vua Lê ban quốc tính thành họ Lê nên cụ mang tên Lê Đỗ Kỳ. Cụ Lê Đỗ Kỳ danh giá vinh hiển với chức danh Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương. Chức ấy khi đó to lắm. Đông Dương mênh mông rộng dài, ngoài Việt Nam còn có Cao Miên xứ Chùa Tháp với Vạn Tượng Lào.

Không rõ cặp trai thanh gái lịch Lê Đỗ Kỳ và Đái Thị Ngọc Chất có quen biết nhau theo lối đời sống mới để rồi sau này trở thành gia thất hay không nhưng dứt khoát  cuộc hôn nhân ấy dường như có việc môn đăng hộ đối? Thể nào mà cụ tri huyện Thạch Thành Đái Xuân Quảng lại chả quen biết lẫn thân tình với hai song thân nhà Lê Đỗ? Mối quan hệ danh gia ấy, có lẽ đã góp phần tác thành nên lương duyên giữa Chánh thanh tra Nông Lâm Đông Dương Lê Đỗ Kỳ và Đái Thị Ngọc Chất?

Đến đây, cũng mở thêm cái ngoặc, phu nhân chánh thanh tra Lê Đỗ Kỳ có một cậu em trai khá là tài hoa. Người ấy đã góp cho nền văn bút nước Việt này một cái tên: Tchya. Văn sĩ Tchya tức nhà văn, nhà thơ Đái Đức Tuấn. Từng làm tham tá ở Nha học chánh Đông Dương từ năm 1930. Đái Đức Tuấn bắt đầu viết báo, viết văn từ 1935. cho các tờ Đông Tây, Nhật Tân, Tiểu thuyết thứ bảy.

Rồi Tchya sang tận Trung Hoa tham gia Việt Nam Quốc dân đảng. Từng thay mặt cho giới viết lách Việt dự hội nghị văn bút quốc tế và là người được cử đọc diễn văn bế mạc hội nghị ấy. Từng thỏa chí tang bồng một thời gian dài ở tận Vương quốc Bỉ và có hẳn một cô bồ Tây xinh đẹp. Rồi những năm tháng khi nổi sôi khi lặng lẽ với Tạ Tỵ, Vũ Bằng đất Sài Gòn và trút hơi thở cuối cùng vào cái năm Mậu Thân 1968 thọ đúng một hoa giáp.

Năm tháng mây bay nước chảy… Hiện ở làng Ngọc Diêm, Quảng Chính, Quảng Xương có sinh phần của họ Đái. Một  phần mộ trên đó có tấm bia đề Thi sĩ văn sĩ Đái Đức Tuấn. Tự Mai Nguyệt bút hiệu Tchya. Mất ngày 8/8/1968 tức 15/7 Mậu Thân. Dưới có hai câu bằng chữ Hán Mai Hoa tái thế/Minh Nguyệt tiến thân (ý chừng lấy tích minh nguyệt sơn đầu khiếu - chim Minh Nguyệt hót đầu núi trong cổ thi? Cũng là cái ý nhắc đến nhà thư pháp viết chữ Hán  rồng bay phượng múa Đái Đức Tuấn?). Mạn dưới bia lại trích hẳn bốn câu thơ của Tchya rút trong tập Đầy vơi. Cố nhân đi hẳn có về/Nước non vẫn nặng lời thề nước non/Tình hoa sông cạn đá mòn/Lòng hoa say đắm vẫn còn đắm say. Gần đấy là phần mộ bà chị ruột Đái Thị Ngọc Chất, phu nhân của Chánh thanh tra Nông lâm Đông Dương Lê Đỗ Kỳ, đBQH Khóa I của Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thể phách tồn thiên địa. Tinh thần không phải tại tử tôn, con cháu mà với cả một thế hệ Việt? Cách mạng tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Cụ Lê Đỗ Kỳ bỏ chức Chánh thanh tra ngành Nông lâm và hai cụ đồng lòng gửi ba người con trai vào Vệ quốc đoàn. Còn cụ ông được tổ chức giới thiệu chuẩn thuận từng giữ các chức Chủ tịch huyện Đông Sơn, huyện Nông Cống. Rồi cụ tự nguyện ưng thuận việc ứng cử rồi trúng cử vào QH khóa đầu của chính thể mới. Không có nhiều tài liệu về cái buổi đầu dân quốc ấy của cụ ông. Nhưng hậu thế nhớ nhiều hơn công sinh thành dưỡng dục những người con… Người con trai cả của ông bà Tham Kỳ là Lê Hữu Khôi, tham gia kháng chiến chống Pháp, hy sinh (năm 1954) chỉ vài giờ trước khi đơn vị của ông bắt sống tướng Đờ Cát. Người con thứ hai là Lê Đỗ Nguyên, chính là Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Người con trai thứ ba   Lê Đỗ An, sau này lấy tên là Nguyễn Tiên Phong, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (nay đã mất). Lê Đỗ Thị Ninh là cô con gái kế tiếp, cô con gái yểu mệnh ấy đã đi vào cõi thiêng tâm linh bất tử của người Việt với Màu tím hoa sim của ông con rể Hữu Loan! 

Cái thuở ban đầu dân quốc ấy ảnh 1

Hữu Loan và bà vợ cuối, Nguyễn Thị Nhu.

Tôi cứ nghĩ mãi cái sự màu nhiệm bí ẩn khi từ năm 1935, bà vợ ông Lê Đỗ Kỳ đã nhìn ra điều gì ở chàng trai nhà quê Hữu Loan từ Nga Sơn lên thị xã Thanh Hóa trọ học, thi thoảng lại ngồi lỳ hàng buổi ở cái hiệu sách lớn nhất xứ Thanh của nhà Lê Đỗ Kỳ? Rồi bà quyết định mướn chàng trai nhà quê ấy về làm gia sư cho các con mình. Và nữa, khi quyết định một việc hệ trọng là ưng thuận cho cô con gái Lê Đỗ Thị Ninh 16 tuổi lấy anh chồng Vệ quốc đoàn Hữu Loan có lẽ bà Tham Kỳ đã nhìn thấy tố chất chi đó khác người mà con gái mình sẽ trao thân gửi phận? Cái khác người ấy phải chăng là tiết tháo? Duyên do thi sĩ Hữu Loan bỏ tất tật vinh hoa Hà thành thuở ấy về Vân Hoàn Nga Sơn thồ đá kiếm sống có vài thứ chưa hẳn là cái việc này khác của vụ nhân văn… Ấy là Màu tím hoa sim của chiến binh Hữu Loan bị kiểm thảo là những là yếu đuối tiểu tư sản và nên đoạn tuyệt với những tình cảm ủy mỵ ấy đi! Đoạn tuyệt với Màu tím hoa sim, đoạn tuyệt với Lê Đỗ Thị Ninh? Hữu Loan sẽ thoắt thành một người không phải Hữu Loan.  Một buổi chiều ở làng Vân Hoàn chúng tôi đã nghe Hữu Loan thốt lên điều đơn giản nhưng cực hệ trọng ấy. Cái ông lão Hữu Loan hồi đó tuổi 93 (hai năm sau ông mất) còn tình tứ đặt tay lên cái chân đau của bà vợ Nguyễn Thị Nhu cười móm mém tôi có Màu tím hoa sim tặng em Ninh nhưng cũng có Hoa lúa (bài thơ cũng khá nổi tiếng của Hữu Loan) tặng bà đó thôi.

Thoắt hiển hiện một Hữu Loan tiết tháo và bền bỉ!

Tôi chưa có cái duyên được gặp Trung tướng Hồng Cư người em đồng hao với tướng Giáp mà phu nhân là GS Đặng Thị Hạnh, con gái cụ Đặng Thai Mai. GS Hạnh từng dạy chúng tôi về Văn học phương Tây hồi ở Khoa Văn ĐHTH. Nhưng may mắn có lần được đi công tác với Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Tiên Phong, và sau này Phó Ban dân vận T.Ư lại cũng là câu chuyện dài. Đẹp trai và sau này kháu lão, sự thông tuệ và thẳng thắn bộc trực nhưng tinh tế và khéo nữa của Nguyễn Tiên Phong, ấn tượng bền dai với những người từng gặp ông. Có cảm giác, bản tính cùng tính cách ấy, được cài đặt từ thuở nào trong cái gene dòng họ?

Thú thực khi ấy tôi đâu biết cụ thân sinh ra ông là ĐBQH khóa I Lê Đỗ Kỳ?     

_________

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.