Cải thiện sức mua bằng cách nào?

Người dân cắt giảm mua sắm đến mức tối đa, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu như điện tử, điện lạnh... Ảnh: hồng vĩnh
Người dân cắt giảm mua sắm đến mức tối đa, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu như điện tử, điện lạnh... Ảnh: hồng vĩnh
TP - Sau Tết đến nay, hàng hóa ế ẩm cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng thấp, cho thấy tổng cầu thị trường đang giảm sút mạnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là nguyên nhân khiến hàng tồn kho lớn và hoạt động của doanh nghiệp gặp khó.

Sức mua yếu, hàng tồn kho cao

Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua trên thị trường rất yếu.

Ngày 19/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết, thực ra tình trạng hàng hóa ế ẩm đã diễn ra từ vài năm nay. Số doanh nghiệp giải thể vẫn cao hơn doanh nghiệp thành lập mới; tiền lương không được cải thiện nên khả năng thanh toán không có. 

Bằng chứng là, tổng mức bán lẻ tháng 1 (tháng Tết) thấp hơn Tết năm ngoái. Người dân chỉ tập trung vào mua đồ ăn là chính (chiếm tới 70%), không mua sắm lớn. Nói về tình trạng hàng hóa ế ẩm, ông Phú ví von: “Một người bán thịt lợn ở chợ giờ chỉ dám bán nửa con chứ không dám bán cả con nữa vì sợ ế”.

Theo ông Phú, giờ người dân chỉ mua các hàng hóa lặt vặt (gạo, thịt, nước mắm, mỳ chính...) chứ không dám mở hầu bao mua các mặt hàng điện tử đắt tiền hay đồ xa xỉ.

Ông Phú dự đoán, tình hình sức mua yếu sẽ còn kéo dài tới giữa năm 2014. Sức mua yếu sẽ khiến hàng hóa tồn kho lớn. Lúc đó, tổng cầu thị trường kém dẫn đến nguy cơ kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát (lạm phát rơi vào tình trạng rất thấp - PV). “Nếu nền kinh tế rơi vào thiểu phát (nguy hiểm hơn cả lạm phát) sẽ là một vấn nạn trong quản lý kinh tế vĩ mô”, ông Phú nói.

Thực tế, theo Bộ Công Thương, mặc dù là tháng Tết, nhưng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1/2014 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều loại hàng hóa có tỷ lệ tồn kho cao như: Mỹ phẩm, xà phòng, chất tẩy rửa và chế phẩm vệ sinh (tăng 94,5%); mô tô, xe máy (tăng 89,4%); thuốc lá (tăng 43,5%)...

Ngoài ra, các ngành hàng như: Chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; đường; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản phẩm điện tử dân dụng... cũng có mức tăng số lượng hàng tồn kho cao.

Báo cáo tháng 1/2014 của Cty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho biết, tổng mức bán lẻ tăng trong tháng 1 chưa đủ thuyết phục để kết luận về sự cải thiện trong xu hướng chung của sức cầu tiêu dùng. Theo BSC, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 tăng 0,69% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm trước là mức (tăng) khá khiêm tốn. “Nguyên nhân, do sức mua của thị trường vẫn ở mức thấp”, BSC cho biết.

Phải cải thiện sức mua

TS Lê Đăng Doanh cho biết, qua theo dõi cho thấy, sức mua của người dân vẫn chưa chuyển biến. Nhiều trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng rầm rộ khuyến mãi, giảm giá, nhưng hàng tồn kho vẫn nhiều. Điều đáng buồn, theo ông Doanh, phần lớn siêu thị đều lao đao, họ gặp khó khăn nên đành phải giảm giá bán. 

Cải thiện sức mua bằng cách nào? ảnh 1

Nhiều quầy bán hàng vắng người mua. (Ảnh chụp tại BigC Long Biên ngày 19/2). Ảnh: Phong Cầm

Thậm chí, khuyến mãi tưng bừng, nhưng hàng hóa vẫn không bán được. Theo ông Doanh, trong năm 2014, nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức, khó khăn. Nếu không chấn chỉnh kịp thời, sẽ kéo kinh tế đến đáy, đời sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp càng khó khăn.

“Tình hình sức mua yếu sẽ còn kéo dài tới giữa năm 2014. Sức mua yếu sẽ khiến hàng hóa tồn kho lớn. Lúc đó, tổng cầu thị trường kém, dẫn đến nguy cơ kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát”. 

Ông Đỗ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội

Trong khi đó, theo ông Đỗ Vinh Phú, muốn tăng tổng cầu, điều quan trọng là phải tăng niềm tin của người tiêu dùng. Để làm được như vậy, theo ông Phú, cần khẩn trương tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là phải tập trung vào ba đối tượng (doanh nghiệp nhà nước; các tổ chức tín dụng, ngân hàng; đầu tư công).

Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, việc cần phải làm ngay là phải tổ chức lại hệ thống phân phối nội địa theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Cần thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đi thẳng từ sản xuất tới tiêu dùng. 

“Nhà nước đầu tư vốn để làm tốt công tác dự trữ quốc gia các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời giữ ổn định giá đầu vào các mặt hàng thiết yếu để doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất”, vị này nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, muốn đẩy mạnh tăng trưởng tổng cầu, đốc thúc tăng trưởng, bắt buộc phải có những giải pháp đột phá. Muốn vậy, phải xác định rõ nhiệm vụ chính của năm kinh tế 2014 là phải tập trung cải thiện sức mua.

Một chuyên gia kinh tế khác khẳng định, giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế qua chỉ tiêu GDP và kiềm chế lạm phát qua chỉ tiêu CPI luôn có vận động ngược chiều. Do đó, nếu quá chú ý tới tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát.

Song, nếu quá tập trung vào kiềm chế lạm phát, nền kinh tế sẽ trì trệ, tổng cầu giảm, doanh nghiệp sẽ không có thị trường tiêu thụ, khó có thể tồn tại và phát triển.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.