Cải cách thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Ngành thuế đang cố gắng thay đổi hình ảnh tốt lên. Ảnh: Như Ý.
Ngành thuế đang cố gắng thay đổi hình ảnh tốt lên. Ảnh: Như Ý.
TP - Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Năm 2015, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong 2 lĩnh vực này. Để tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, toàn ngành sẽ tăng cường công tác hậu kiểm; kiểm tra kiểm soát nội bộ”.

Quyết liệt với thủ tục thuế - hải quan

Xin Bộ trưởng cho biết kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan vừa qua?

Trong năm 2014 vừa qua, với các Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ về cải cách hành chính đối với hai lĩnh vực thuế và hải quan được ban hành đã thực hiện mạnh việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, số giờ làm thủ tục về thuế của doanh nghiệp (DN) và người nộp thuế đã giảm đáng kể (số giờ nộp thuế đã giảm 290 giờ từ 537 giờ xuống còn 247 giờ; ngoài ra, Luật sửa đổi một số điều của các Luật thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ giảm thêm được 80 giờ, xuống còn 167 giờ/năm); cắt giảm khoảng 10% - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; qua đó tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho DN và người nộp thuế, giảm chi phí và hạn chế phiền hà. Bên cạnh đó, ngành Thuế và Hải quan đã tích cực hiện đại hóa thủ tục kê khai hồ sơ nộp thuế, nhờ đó, việc nộp thuế của DN được cập nhật nhanh hơn, chính xác hơn, hạn chế tối đa “treo” nợ thuế của người nộp thuế.

Đối với lĩnh vực thuế, tính đến nay 63/63 Cục Thuế và trên 300 Chi cục Thuế trực thuộc đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng với 95% doanh nghiệp thực hiện. Đã thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử tại 18 Cục Thuế địa phương.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan tiếp tục chủ trì triển khai áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo đúng tiến độ Chính phủ đề ra. Việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) mang lại rất nhiều lợi ích cho DN. Từ chỗ thông quan 1 lô hàng có thể phải đi xin giấy phép của nhiều bộ ngành khác nhau rất mất thời gian và phải chuẩn bị nhiều chứng từ, NSW cho phép DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất. Theo tính toán của cơ quan quản lý, NSW sẽ cắt giảm từ 10% đến 20% chi phí, 30% thời gian cho việc thông quan lô hàng xuất nhập khẩu. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Triển khai áp dụng Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS). Đến nay VNACCS/VCIS đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc.

Cải cách thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp ảnh 1 Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Ngành thuế phải thay đổi hình ảnh tốt lên

Thưa Bộ trưởng, đi cùng với cải cách thủ tục hành chính về thuế, công tác chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tác phong, lề lối, thái độ làm việc của cán bộ thuế được Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện như thế nào?

Việc điều hành quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế ghi nhận, đánh giá sự tích cực, chủ động của ngành Tài chính trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng 

Lực lượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống cơ quan thuế các cấp rất lớn (trên 4 vạn người), chiếm tỷ trọng lớn trong biên chế của ngành Tài chính. Do địa bàn rộng, quản lý trong phạm vi toàn quốc, từ trung ương đến địa phương nên đôi khi không tránh khỏi ở một số nơi hoặc tại một số thời điểm vẫn còn một số công chức chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn; thiếu tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật... làm ảnh hưởng đến thành tích chung, đến uy tín và hình ảnh của cơ quan thuế và người cán bộ thuế.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương kỷ luật trong nội ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật; chấn chỉnh lề lối, tác phong ứng xử của cán bộ, công chức thuế, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp; thực hiện công khai thông tin về thủ tục hành chính thuế và quy trình giải quyết thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa; duy trì hệ thống tiếp nhận thông tin phản hồi của người nộp thuế thông qua hòm thư góp ý, tổ chức các đường dây nóng.... Bên cạnh, đã ban hành Tuyên ngôn ngành Thuế, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về “10 điều kỷ luật của ngành”... tăng cường kỷ luật, kỷ cương công chức thuế khi thực thi công vụ.

Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua cho thấy, ý thức chấp hành kỷ cương kỷ luật, tác phong làm việc, văn hóa ứng xử với người nộp thuế của lực lượng cán bộ công chức thuế đã đi vào nề nếp, từng bước gây dựng hình ảnh đẹp trong lòng cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Điều hành 2015 - Trăn trở gì?

Ở vị trí của người đứng đầu một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng có cảm nhận gì về trọng trách của ngành? Lĩnh vực nào Bộ trưởng quan tâm và trăn trở thời gian tới, nhất là trong năm được xem là năm “bản lề” chốt các mục tiêu kế hoạch kinh tế 2011-2015 này?

Năm 2015 tác động giảm thu lớn từ dầu thô do giá dầu đã giảm mạnh so với dự toán. Trong khi đó, công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá và thất thu ngân sách đã giảm nhưng chưa đạt kết quả mong muốn; nợ đọng thuế còn lớn.

Trong điều kiện nguồn thu NSNN còn hạn hẹp, nhu cầu tăng chi lớn sẽ tạo áp lực tăng chi trong quá trình điều hành. Đồng thời, cơ cấu chi NSNN đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng nhanh để thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách ASXH trong thời gian vừa qua; do đó phải giảm chi đầu tư và bố trí chi trả nợ thấp hơn yêu cầu. Trong khi đó, việc bố trí, sử dụng kinh phí dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức chi vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn, đơn vị. Nợ công có xu hướng tăng do đáp ứng nhu cầu về đầu tư phát triển trong nhiều năm vừa qua, cơ cấu nợ chưa thật sự bền vững. Cơ chế huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển (hợp tác công - tư - PPP,...) còn bất cập. Tái cơ cấu DNNN đã đạt được kết quả bước đầu, song vẫn còn chậm so với mục tiêu yêu cầu đề ra.

Điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2015 và định hướng trong thời gian tới cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh phát triển SX-KD, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN, giảm phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế; Đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; bám sát mục tiêu định hướng giảm dần bội chi NSNN, để giảm nợ công; Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; Thúc đẩy quá trình đổi mới đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy nhanh tái cấu trúc DNNN; tăng cường thu hút nguồn lực ngoài NSNN cho đầu tư phát triển; Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý NSNN và tài sản nhà nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, để thực sự tạo thuận lợi cho DN, người nộp thuế...

Nói chung, trong năm nay, dù bộn bề công việc nhưng ngành tài chính sẽ quyết tâm thúc đẩy đi đến cùng những kế hoạch, đích đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG