Cải cách hành chính: Quảng Ninh dẫn đầu, Quảng Ngãi xếp cuối bảng

0:00 / 0:00
0:00
Cải cách hành chính: Quảng Ninh dẫn đầu, Quảng Ngãi xếp cuối bảng
TPO - Theo kết quả cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu, tiếp đến là Hải Phòng và Thừa Thiên Huế… 3 tỉnh đứng cuối bảng là Quảng Ngãi, Phú Yên rồi đến Kiên Giang..

Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng cuối về cải cách hành chính

Chiều 24/6, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố kết quả khảo sát PAR INDEX năm 2020. Theo đó, trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được khảo sát, đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Cả ba cơ quan trên đạt kết quả chỉ số cải cách hành chính trên 90%. Riêng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đây là năm thứ sáu liên tiếp đứng ở vị trí dẫn đầu.

Ba đơn vị đứng cuối bảng xếp hạng là: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ. So với năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 6 bậc, đứng cuối bảng xếp hạng. Bộ Y tế năm thứ ba liên tiếp nằm trong nhóm cuối bảng.

Theo Ban Chỉ đạo, trong các chỉ số thành phần thì “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” và “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” có giá trị trung bình giảm so với năm 2019. Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước” giảm 1.80%, từ 84.38% của năm 2019 xuống còn 82.58% năm 2020.

Tương tự, Chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức” giảm 0.25%, từ 89.76% của năm 2019 xuống còn 89.51% năm 2020.

Quảng Ninh dẫn đầu, Quảng Ngãi đứng cuối

Về kết quả PAR INDEX 2020 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh dẫn đầu, tiếp đến là Hải Phòng và Thừa Thiên Huế… 3 tỉnh đứng cuối bảng là Quảng Ngãi, Phú Yên rồi đến Kiên Giang.

Theo đánh giá, ở một số tỉnh, thành phố triển khai sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc sở, ngành, huyện theo các quy định mới của Chính phủ còn khá chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Một số phòng chuyên môn trực thuộc sở, ngành và phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện tại một số địa phương có cơ cấu số lượng lãnh đạo chưa hợp lý, còn tình trạng số lượng công chức giữa chức vụ lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Tỷ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Từ đó, Ban chỉ đạo kiến nghị tăng cường rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo các nghị định của Chính phủ đã ban hành trong năm 2020, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo quy định.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn về vị trí việc làm và định mức biên chế công chức theo quy định của Chính phủ. Thực hiện có hiệu quả việc thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.