Cách xử lý khi bị viêm da cơ địa

Bệnh viêm da cơ địa có tính di truyền và rất hay tái phát. Hình minh họa.
Bệnh viêm da cơ địa có tính di truyền và rất hay tái phát. Hình minh họa.
Viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh phát ban da, triệu chứng là tổn thương da khô kèm theo ngứa. Theo khảo sát, có tới 35% trẻ viêm da cơ địa có biểu hiện hen trong cuộc đời.

Theo BS CK2 Phạm Minh Tiến Hùng, BV Da liễu, đa số trường hợp bệnh viêm da cơ địa bắt đầu ở tuổi ấu thơ. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa.

Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày thêm, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây  nên vòng bệnh lý “ngứa-gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng.

Thực tế, các yếu tố làm bệnh khởi phát và nặng lên bao gồm: các dị nguyên trong không khí như các chất thải của rệp nhà, len dạ… Ngoài ra, một số thức ăn như trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá… cũng làm tăng và phát nặng thêm bệnh này.

Mùa hay bị bệnh nặng thường là vào mùa thu đông, nhẹ vào mùa hè. Đồ len dạ của trẻ, của cha mẹ và thậm chí đồ này của chó mèo, đồ thảm hoặc đệm giường cũng làm cho bệnh nặng lên.

Để có thể sống chung với bệnh và cải thiện phần nào tình hình, người bệnh nên tránh chà xát, không gãi là một việc rất quan trọng. Bên cạnh đó dùng các thuốc bôi, thuốc uống chống ngứa cho bệnh nhân.

Cùng với đó, bôi kem dưỡng ẩm là việc làm rất cần thiết vì nó vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Tuy nhiên cần lưu ý, kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hằng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.

Đối với trẻ em, cha mẹ không dùng đồ len dạ trực tiếp vào da của trẻ, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần tránh dùng đồ len dạ khi tiếp xúc với trẻ.

Viêm da cơ địa cấp tính: Cần đắp ẩm thương tổn và bôi kem corticoit+ kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm. Kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa.

Viêm da cơ địa bán cấp và mạn tính được điều trị bằng các thuốc có tác dụng làm ẩm da bằng kem bôi hoặc sữa tắm có kem. Thuốc corticosteroid rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài, do vậy cần có chỉ định chặt chẽ.

Ngoài ra, các thuốc chống viêm khác không phải corticosteroid như tacrolimus có thể thay thế corticosteroid mà không gây các tác dụng phụ như thuốc này và có thể dùng lâu dài, thuốc có thể chống viêm và chống ngứa.

Vì viêm da cơ địa là bệnh khó trị và dễ dàng tái phát tùy theo điều kiện môi trường nên việc điều trị viêm da cơ địa cần rất cẩn trọng, có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh. Còn đối với trẻ nhỏ là sự hợp tác giữa cha mẹ trẻ với thầy thuốc.

Theo Theo PLO
MỚI - NÓNG