Cách nhận biết sớm và điều trị bệnh sởi

Virut sở hình cầu. Ảnh: Sức khỏe&Đời sống
Virut sở hình cầu. Ảnh: Sức khỏe&Đời sống
TPO - Mấy ngày nay tại các bệnh viện, lượng trẻ sốt phát ban vào khám sàng lọc bệnh sởi tăng đột biến. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi thấy trẻ có hiện tượng sốt cần theo dõi sát để quyết định đưa trẻ đến viện.

Nhiều phụ huynh hoang mang

Sởi là bệnh nhiễm virut cấp tính, lây truyền rất mạnh, xảy ra quanh năm, cao điểm nhất vào mùa xuân. Trong những năm qua, công tác tiêm phòng được thực hiện tốt hầu hết ở mọi địa phương nên dịch bệnh không xảy ra.

Tuy nhiên, sau 3 năm yêu ắng, thời gian qua bệnh sởi lại bất ngờ quay lại tấn công trẻ em và có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không kịp thời ngăn chặn.

Nói về sự bùng phát dịch sởi tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sự trở lại của dịch sởi không có gì quá bất thường.

Qua đánh giá, cứ theo chu kỳ 3-5 năm, dịch sởi lại bùng phát mạnh. Chẳng hạn như năm 2006, cả nước xảy ra dịch sởi với 3.000 trẻ mắc, sau đó giảm mạnh trong năm 2007 và 2008.

Đến năm 2009-2010, dịch sởi bùng phát mạnh trở lại với 7.500 ca bệnh được ghi nhận trên cả nước, đây cũng là năm có số mắc sởi lớn nhất trong 10 năm qua. Sau các năm 2011, 2012 yên ắng thì từ cuối năm 2013 đến nay, dịch sởi tái xuất và có thể tiếp tục gia tăng mạnh trong những ngày tới.

Lo ngại trước diễn biến của dịch sởi, trong vài ngày qua, lượng trẻ được đưa đến khám sàng lọc sởi tại các bệnh viện do có các triệu chứng sốt, phát ban có dấu hiệu tăng mạnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khoảng 1 tuần trở lại đây, có ngày khoa tiếp nhận tới 15-20 trẻ bị sởi, phát ban dạng sởi đến khám. T

hực tế trong số này rất nhiều bệnh nhi chỉ bị sốt virus hoặc sốt phát ban thông thường nhưng vì bố mẹ quá lo lắng, sợ con bị sởi nên vội vàng đưa trẻ vào khám để… yên tâm.

Tương tự, khoảng 1 tuần nay tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày cũng tiếp nhận 15-20 trẻ nghi sởi vào điều trị.

Còn theo thống kê từ Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, từ 1-1 đến 6-2 Hà Nội đã phát hiện 98 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, từ khoảng đầu tháng 12/2013 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 65 trường hợp mắc bệnh sởi. Số ca bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện đang có biểu hiện tăng dần.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, thời gian từ cuối tháng 12/2013 trở về trước, số cả bệnh nhập viện chỉ lẻ tẻ mỗi tháng vài ca, nhưng từ đầu tháng 1/2014 đến nay, số ca bệnh đang tăng dần với khoảng 5-10 trường hợp đến khám và điều trị mỗi ngày.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đang là điểm nóng nhất của bệnh sởi. Theo các bác sĩ tại Khoa Nhiễm cho biết: “Khoảng một tháng nay, trung bình mỗi ngày tại khoa tiếp nhận và điều trị cho khoảng 15-20 trẻ mắc bệnh sởi. Trẻ này chưa kịp xuất viện thì trẻ khác đã phải nhập viện, nhiều trường hợp gặp biến chứng nặng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm kết mạc mắt... phải nằm thở máy. Số ca nhập viện do loại bệnh này đến nay đã hơn 100 trường hợp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm”.

Đặc biệt, tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ còn dưới 9 tháng (chưa đến thời điểm tiêm phòng sởi) gây khó khăn ít nhiều cho chẩn đoán ban đầu. 

Trước tình hình trên, Bộ Y tế vừa có công điện đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch sởi để phản ánh đúng diễn biến dịch, tránh gây hoang mang dư luận, đồng thời xác định nhóm đối tượng nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí chiều 10-2, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, qua giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp sốt phát ban nghi sởi hiện vào khoảng 70%.

Cách nhận biết sớm và điều trị bệnh sởi ảnh 1 Tổn thương da do bệnh sởi. Ảnh: Internet.

Diễn biến và điều trị bệnh

Thời kỳ ủ bệnh, trung bình 10-12 ngày, không có triệu chứng lâm sàng.

Thời kỳ khởi phát còn gọi là thời kỳ viêm long. Đây là thời kỳ dễ lây nhất, kéo dài 4 -5 ngày. Các triệu chứng chính trong giai đoạn này là: sốt, có thể sốt nhẹ 38-38,5oC hoặc sốt cao 39-40oC, kèm theo mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ khớp.

Biểu hiện viêm long là biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh sởi. Bao gồm: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, nhiều dử mắt, tiêu chảy, khám họng có thể thấy dấu Koplik: những chấm trắng nhỏ nổi trong niêm mạc má màu đỏ, sung huyết đối diện với răng hàm thứ nhất. Những nốt này biến mất nhanh trong vòng 12-18 giờ sau khi xuất hiện.

Thời kỳ toàn phát, còn được gọi là thời kỳ phát ban. Ban xuất hiện đầu tiên sau tai, lan dần ra hai bên má, cổ ngực bụng và phần chi trên. Trong 24 giờ tiếp, ban lan ra sau lưng, hông và chi dưới.

Trong vòng 2-3 ngày ban lan ra toàn thân. Ban màu hồng nhạt, ấn vào biến mất. Ban có khuynh hướng dính kết lại, nhưng xen kẽ có những khoảng da lành không bị tổn thương nằm giữa những vùng không bị phát ban.

Trong các thể nhẹ, ban thưa thớt, không lan đến chân. Trong trường hợp nặng, ban dày gần như toàn bộ da bị che kín, ngay cả bàn tay bàn chân. Đôi khi có cả ban xuất huyết và có thể kèm theo xuất huyết ở mũi, miệng, ống tiêu hóa.

Khi bắt đầu phát ban, nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, nhưng khi ban mọc đến chân thì nhiệt độ giảm. Ngoài ra còn có biểu hiện: hạch cổ và hàm có thể bị sưng lên, lách to, hạch màng bụng to gây đau bụng...

Thời kỳ hồi phục, thông thường sởi bay theo trình tự xuất hiện, để lại những vết thâm đen trên mặt da được gọi là vết vằn da hổ. Bệnh nhân ăn uống khá hơn, toàn trạng hồi phục dần nếu không có biến chứng.Theo dõi sát dấu hiệu của bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh này lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi, họng bệnh nhân.

Đáng chú ý, do thời gian ủ bệnh kéo dài, trung bình tới 10 ngày nên sởi có thể lây bệnh ngay từ khi bệnh còn chưa khởi phát, nghĩa là trong khoảng thời gian ủ bệnh, virus sởi từ người mang mầm bệnh đã có thể lây cho người khác.

Khi mắc bệnh, sởi có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên dễ gây ra biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, mù lòa, viêm não hoặc tử vong. Vì thế, đến nay sởi vẫn được coi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm kết mạc thì cần nghĩ ngay đến bệnh sởi và phải đến cơ sở y tế khám.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm, đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Người bệnh cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc Đông y, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều... thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm. Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine phòng sởi. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ.

Theo Sức khỏe & Đời sống; An ninh thủ đô
MỚI - NÓNG