Cách nào ‘giải vây’ lạm phát cơ bản cao nhất trong 10 năm?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Số liệu mới từ Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I năm nay, lạm phát cơ bản có mức tăng cao nhất 10 năm trở lại đây. Dù mức tăng từng tháng đang hạ nhiệt, song trong bối cảnh lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều, lạm phát trong nước vẫn còn nhiều yếu tố "đe doạ".

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 5,01% (cao hơn CPI), là mức tăng cao nhất 10 năm trở lại đây.

“Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước, là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Tuy nhiên, xăng dầu thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản”, Tổng cục Thống kê lý giải.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lạm phát thế giới những tháng đầu năm 2023 tuy đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 2/2023 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát của Mỹ tăng 6% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 2/2023 của Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 3,8%; Hàn Quốc tăng 4,8%; Indonesia tăng 5,5%; Philippines tăng 8,6%; Lào tăng 41,3%.

Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - cho biết, so với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không thuộc nhóm có lạm phát cao. Lạm phát cơ bản của Việt Nam cũng đang theo xu hướng giảm dần. Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, tháng 2 tăng 4,96% và tháng 3 tăng 4,88%.

Thời gian tới, bà Oanh lưu ý các yếu tố có thể “đe dọa” CPI, như áp lực từ tăng lương, học phí, giá điện. Song, bà Oanh cũng khẳng định, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% cả năm nay vẫn có thể thực hiện được, nhờ các yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá. "Với kinh nghiệm điều hành vĩ mô của Chính phủ, việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Quốc hội đề ra có thể thực hiện được", bà Oanh nhấn mạnh.

Cách nào ‘giải vây’ lạm phát cơ bản cao nhất trong 10 năm? ảnh 1

Giá xăng dầu trong nước đã hạ nhiệt, nhưng không nằm trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

"Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương; điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo lộ trình như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động tới CPI trong năm 2023", bà Hương nhận định.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ kiểm soát lạm phát, như chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định vĩ mô. Giá xăng dầu được dự báo sẽ ở mức thấp hơn so với năm 2022. Với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ, giá các dịch vụ do nhà nước quản lý sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý. Nguồn cung lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

MỚI - NÓNG
Đề nghị tập đoàn hàng đầu thế giới tham gia nghiên cứu, xây dựng cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi
Đề nghị tập đoàn hàng đầu thế giới tham gia nghiên cứu, xây dựng cầu Tứ Liên, Ngọc Hồi
TPO - Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn Thái Bình Dương và các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục tích cực nghiên cứu, tham gia các dự án lớn như xây dựng cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi qua sông Hồng, tuyến đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc (Hà Nội)...
Lý do gần 180 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở TPHCM
Lý do gần 180 dự án chậm tiến độ sử dụng đất ở TPHCM
TPO - Theo UBND TPHCM, nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm còn chậm so với quy định pháp luật; quá trình chuyển đổi chức năng sử dụng đất một số loại đất còn chậm, có tình trạng khác biệt giữa chức năng sử dụng đất thực tế và quy hoạch sử dụng đất, tình trạng đưa các dự án chưa rõ tính khả thi vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm…