GDP quý I tăng 3,32%, ngành dịch vụ phục hồi mạnh nhờ du lịch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Quý I/2023, GDP tăng trưởng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhận định, kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2023 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5-1,2%.

GDP quý I tăng 3,32%, ngành dịch vụ phục hồi mạnh nhờ du lịch ảnh 1

Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế xã hội quý I/2023.

Quý I/2023, GDP tăng trưởng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong giai đoạn 2011-2023, kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%[5], làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi, nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, mở cửa nền kinh tế khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý I năm 2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tháng 3/2023, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm CPI giảm 0,23% so với tháng trước. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.

Các yếu tố làm tăng CPI quý đầu năm là nhóm nhà ở và vật liệu, giá thực phẩm, học phí, chỉ số giá nhóm văn hoá, giải trí và du lịch, giá điện sinh hoạt, giá gạo. Ngược lại, xăng dầu, gía gas, giá bưu chính viễn thông là những yếu tố kéo giảm CPI. Quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, quý I/2023, giá hàng hóa trên thị trường thế giới chịu tác động bởi các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị của các nước và xung đột quân sự Nga - Ukraine. Đồng thời nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt khiến lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt tuy nhiên vẫn ở mức cao.

Trong nước, nhu cầu sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ Tết Nguyên đán và giá nguyên liệu đầu vào đã đẩy giá sản xuất tăng lên. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý I năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm theo thị trường thế giới.

MỚI - NÓNG