Mới gần 9 giờ sáng, nắng đã bỏng rát. Buổi huấn luyện bắn súng của Đại đội 7, Tiểu đoàn 5 đang diễn ra khẩn trương thì binh nhì Nguyễn Châu Phi thấy người ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt. Hai chiến sỹ dìu Phi vào chỗ bóng râm và sơ cứu. Một người cởi cúc áo, nới rộng lưng quần, người khác lấy khăn ướt lau mặt, trán và lau toàn thân; một tay quạt nhẹ để tạo ô xi, đồng thời dùng nước mát giải nhiệt... Một lát sau sắc mặt của Phi tươi lên, nhiệt độ cơ thể dần trở lại bình thường và có thể nói chuyện.
Đại úy Nguyễn Đình Dũng, Đại đội trưởng bật mí: “Trình độ sơ cứu ban đầu những người bị nắng, say sóng hay bị rắn, bọ cạp cắn như hai chiến sỹ này không phải hiếm trong đơn vị”. Tìm hiểu bí quyết của các chiến sĩ, binh nhì Trần Trung Tú cho biết: “Quá trình công tác ở đơn vị, ngoài học tập về quân sự, chính trị, hậu cần và kỹ thuật, chúng tôi được trang bị nhiều kiến thức về y học.
Đặc biệt khi huấn luyện trong điều kiện thời tiết nắng nóng mọi người dễ bị say nắng, say nóng. Nếu không bình tĩnh và biết cách sơ cứu kịp thời dễ bị suy hô hấp, ảnh hưởng tính mạng. Bây giờ, đi huấn luyện dã ngoại hay diễn tập chúng tôi rất yên tâm để phòng tránh. Tôi còn viết thư, gọi điện căn dặn bố mẹ mỗi dịp ra đồng hạn chế tiếp xúc với ánh nắng và cách sơ cứu người bị say nắng”.
Thượng úy, bác sỹ Nguyễn Phúc Hải, Đại đội trưởng Đại đội 24 quân y, cho biết, khi bộ đội huấn luyện dưới thời tiết nắng nóng mồ hôi ra nhiều, cơ thể bị thiếu nước, dẫn đến suy nhược cơ thể. Biểu hiện thường thấy thân nhiệt cao 39-400C, mặt đỏ, da khô, lưỡi rộp, hoa mắt, chóng mặt, tụt huyết áp. Thậm chí người bị say nắng có thể chảy máu não do tổn thương thần kinh trung ương vì bức xạ mặt trời.
Theo Trung tá Đinh Thanh Minh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 335, hằng năm đơn vị chỉ đạo tổ chức huấn luyện chuyên môn về công tác quân y chặt chẽ, nghiêm túc, đúng đủ nội dung, lấy thực hành làm chính để cho anh em có kiến thức mà phòng tránh. Sắp xếp lịch huấn luyện trong ngày, trong tuần hợp lý, hạn chế tối đa để bộ đội tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời.