Chiến sĩ quyết thắng toàn quân
Trong những ngày này, chúng tôi về thôn 6, xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) tìm gặp cựu chiến binh Lê Xuân Thanh (SN 1949).
Sinh ra và lớn lên trong cảnh quê hương bị tàn phá, chàng thanh niên Lê Xuân Thanh đã sớm đi theo con đường cách mạng. Tháng 9/1965, ông xung phong đi tòng quân và được biên chế làm lính pháo thủ cao xạ 57 ly trên cao điểm 54 thuộc Đại đội 4, Trung đoàn Pháo phòng không 228 tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Từ đó cho đến năm 1973, ông Thanh đã đánh hàng trăm trận với hải quân, không quân Mỹ trên trận địa Hàm Rồng.
Nhưng có 2 trận đánh với quân địch mà ông không thể nào quên trong cuộc đời mình. Ông Thanh kể: Hai trận đánh ngày 3/9/1967 và ngày 18/11/1967, dù bị thương nhưng ông vẫn bám trụ tại mâm pháo ngắm bắn vào mục tiêu địch đến khi quân Mỹ cho máy bay ngừng vào trận địa Hàm Rồng.
Không những thế trong tình thế bị thương nặng, ông Thanh một mình dập lửa ngăn cho không lửa cháy lan sang kho đạn. Chiến sĩ Lê Xuân Thanh đã trở thành tấm gương học tập về tinh thần chiến đấu dũng cảm tại các trận địa ở Hàm Rồng. Ngay sau trận đánh, ông đã trở thành chiến sĩ quyết thắng toàn quân và nhận Huân chương kháng chiến hạng Nhì.
Từ sự gan dạ, dũng cảm của mình, chiến sĩ Lê Xuân Thanh được thay mặt cho quân dân Hàm Rồng - Thanh Hóa ra thăm Bác Hồ tại phủ Chủ tịch vào năm 1968.
Pháo thủ Lê Xuân Thanh chụp với Bác Hồ năm 1968 “ người ngồi thứ 2 từ phải qua trái cùng dãy ghế với Bác Hồ. Ảnh nhân vật cung cấp.
Nguyên vẹn cảm xúc lần đầu gặp Người
Nói đến đây, ông Thanh lấy ra cho chúng tôi xem tấm hình và hạnh phúc nói: “Tấm hình này là Thượng tướng Phạm Thanh Ngân đã tặng cho tôi khi anh em gặp nhau. Đây là kỷ vật quý nhất mà tôi cùng với 15 chiến sĩ, dũng sĩ diệt Mỹ của cả 2 miền Nam Bắc được chụp với Bác Hồ tại phủ Chủ tịch”.
Nhớ lại ngày vinh dự được gặp Bác, đôi mắt bừng sáng với miền tự hào, ông Thanh bồi hồi nhớ lại: Đúng 7 giờ 30 phút sáng ngày 20/7/1968, tôi cùng mọi người được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Sông Hào làm đoàn trưởng đưa vào phủ Chủ tịch gặp Người. Đến nơi, tôi cùng với đoàn đại biểu các chiến sĩ, dũng sĩ diệt Mỹ chờ Bác ở vườn hoa Chủ tịch gần ao cá tại hai bên bàn ghế.
Ngay lúc đó, một người cận vệ của Bác đến dặn: Bác đang rất mệt, mọi người chỉ được bắt tay không được ôm Bác. Từ nhà sàn, Bác xuất hiện trong bộ quần áo lụa, đi đôi dép cao su, tay chống gậy được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa xuống cùng với 1 người nữa.
Thấy Bác, mọi người đứng dậy vỗ tay chào đón Người. Bác vẫy tay ra hiệu chúng tôi ngồi xuống. Bác ân cần nói: Các cháu ăn kẹo đi rồi chúng ta nói chuyện. Theo lời Bác bảo, trong đoàn ai cũng cầm một cái kẹo để trước mặt nhưng không dám ăn chỉ mong được nhìn và nghe Bác nói chuyện thật lâu.
Mọi người ổn định xong chỗ ngồi, chủ nhiệm Sông Hào giới thiệu từng người để nói chuyện với Bác là đến lượt chiến sĩ Lê Xuân Thanh. Tôi đứng lên nói dõng dạc: Dạ thưa Bác và Thủ tướng cháu là chiến sĩ Lê Xuân Thanh thay mặt cho quân dân Hàm Rồng Thanh Hóa chúc Bác và Thủ tướng mạnh khỏe.
Sau đó Bác hỏi: Cháu quê ở đâu? Tôi liền đáp: Thưa Bác, cháu ở xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân quê hương của Lê Lợi. Bác tiếp tục hỏi: Thế cháu bao nhiêu tuổi rồi. Tôi đáp tiếp: Dạ năm nay cháu 20 tuổi. Bác cười nói: Cháu còn trẻ nhưng phải giữ gìn sức khỏe vì cuộc chiến đấu còn dài. Rồi Bác hỏi tiếp: Thế các cháu chiến đấu ở Hàm Rồng thế nào. Tôi đáp lời: Dạ thưa Bác, quân dân Thanh Hóa đã kiên cường chiến đấu với đế quốc Mỹ và bắn rơi 276 máy bay. Riêng Hàm rồng bắn rơi 99 chiếc…
Tôi nói xong, Bác khen ngợi và đứng lên giơ lên một ngón tay rồi nói: Cháu về nói với quân dân Hàm Rồng bắn rơi đúng chiếc thứ 100 thì Bác vào thăm. Khi nghe Bác nói vậy, tôi vui mừng trả lời Người ngay: Dạ thưa Bác, cháu xin hứa về sẽ báo quân dân Hàm Rồng – Thanh Hóa quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng cho đến ngày giải phóng đất nước. Để Bác đáp chuyến tàu đầu tiên qua cầu Hàm Rồng vào thăm miền Nam.
Trước khi chia tay, Bác còn dặn các chiến sĩ trong đoàn chúng tôi: Cuộc chiến đấu còn ác liệt và khó khăn, gian khổ. Quân Mỹ sẽ đánh phá trên bầu trời Việt Nam ta còn kéo dài. Các cháu phải giữ gìn sức khỏe, đoàn kết quân dân, quyết tâm đánh thắng không quân Mỹ. Khi nào giải phóng đất nước nước, Bác sẽ phát quà cho toàn quân.
Trở về đơn vị, ông đã truyền đạt lời Bác căn dặn và mong muốn đến toàn quân dân, trận địa Hàm Rồng thực hiện theo khẩu hiệu: "Hàm Rồng quyết tâm bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 100 để đón Bác Hồ vào thăm". Như căn dặn của Người, quân dân Thanh Hóa đã bắn thêm chiếc máy bay thứ 100 vào ngày 26/12/1971. Nhưng quân và nhân dân Thanh Hóa không còn được đón Bác vào ngày ấy, bởi Người đã mãi mãi ra đi.
Đến năm 1980, trở về quê hương với phẩm chất người bộ đội cụ hồ ông luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động tại địa phương và là tấm gương cho con cháu học tập.