Các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách sẽ đổi cách thu phí?

Trong tương lai, các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện thu phí.
Trong tương lai, các tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước sẽ thực hiện thu phí.
TPO - Bộ GTVT đang nghiên cứu đề án để có thể thực hiện thu phí phương tiện với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo thu hồi vốn tái đầu tư vừa đảm bảo để phí không chồng phí. Do theo Luật Giao thông đường bộ 2008, các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách sẽ không thu phí theo từng dự án, mà thu qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm.

Trả lời báo chí về phương án thu phí với các đoạn cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, ông Lê Kim Thành (Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT) cho biết: Trong nghị quyết của Quốc hội về đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã nêu rõ nguyên tắc nghiên cứu thu phí với các đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Theo ông Thành, bên cạnh việc chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng 6 đoạn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng đề án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước. Đề án sẽ được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào danh mục phí và lệ phí. 

“Cao tốc là tuyến chạy tốc độ cao, chạy riêng và song song với các tuyến đường khác, nên người dân có quyền lựa chọn, để trả phí thì đi cao tốc, không thì đi Quốc lộ 1”, ông Thành nói.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, với các đoạn cao tốc đầu tư bằng ngân sách, bộ sẽ xây dựng phương án thu phí để hoàn vốn cho nhà nước. Theo Luật tài sản công có hình thức nhượng quyền thu phí, nhưng phải đánh giá giá trị tài sản còn lại mới ra giá nhượng quyền, tài sản đường bộ đặc thù hơn, khó tính toán như vậy, nên sẽ khả thi nếu bán quyền thu phí, tức bán phần sinh lời trong tương lai.

Theo ông Đông, hiện thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, trên thế giới cũng có nhiều mô hình, có nước thu nước không. Ở ta, hiện quy định chưa đồng bộ, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định đã đầu tư bằng ngân sách thì không thu phí, chỉ thu phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện ô tô khi đăng kiểm. Trên thực tế, nguồn lực ngân sách có hạn, cũng là tiền thuế của người dân, sử dụng đầu tư các tuyến đường quốc lộ cơ bản, còn cao tốc là đường chất lượng cao, phải khác. 

Thứ trưởng GTVT dẫn chứng với đầu tư bệnh viện, nhà nước đầu tư để cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, còn bệnh viện kết hợp huy động vốn tư nhân để đầu tư dịch vụ cao và thu phí cao hơn, người bệnh có quyền lựa chọn sử dụng hoặc không. Tương tự, cao tốc là đường chất lượng cao, phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, hao tốn nhiên liệu ít hơn… thì anh phải trả phí để đi. Còn nếu chủ phương tiện không đi cao tốc có thể đi Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh.

Do đó, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã đưa vào đề xuất thu phí với đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Về lo ngại thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ dẫn tới phí chồng phí, ông Đông cho rằng: 

“Hiện phí bảo trì đường bộ thu với ô tô, để bảo trì toàn bộ hệ thống đường quốc lộ, tỉnh hộ, đường huyện, xã… mà hàng ngày phương tiện đó sử dụng. Còn với cao tốc, nếu anh sử dụng thì phải trả phí riêng cho đoạn đường đó, để bảo trì và thu hồi vốn đầu tư để nhà nước đầu tư cho các tuyến đường mới. Còn nếu anh không trả phí thì đi các tuyến quốc lộ khác, nên không phải phí chồng phí”, ông Đông nói.

Trong 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, có 6 đoạn đầu tư công, 5 đoạn kêu gọi đầu tư BOT. Dự kiến, ngày 30/9 tới, Bộ GTVT sẽ khởi công xây dựng 3 đoạn đầu tư công còn lại, đảm bảo cả 6 đoạn đầu tư đều được khởi công xây dựng. Với 5 đoạn đầu tư BOT, hiện đang phát hành hồ sơ mời thầu tìm nhà đầu tư, theo kế hoạch phải sang đầu năm 2021 mới ký hợp đồng đầu tư.

Hiện cả nước có 2 tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhưng không thu phí, là tuyến Nhật Tân - Nội Bài (Hà Nội), và tuyến TPHCM - Trung Lương. Trong đó, tuyến TPHCM - Trung Lương trước đó được nhượng quyền thu phí cho Cty Yên Khánh, khi hết hợp đồng thu phí nhượng quyền, công ty này trả lại và dừng thu phí từ đầu năm 2019 tới nay, hiện tuyến đường đã bắt đầu xuống cấp, thường xuyên tắc nghẽn, nhưng thiếu vốn bảo trì. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thu phí trở lại tuyến cao tốc này, để tạo nguồn vốn cho công tác duy tu, bảo dưỡng.

MỚI - NÓNG