Tổng thư ký Jens Stoltenberg tham gia sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập NATO. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc họp tại Brussels, các ngoại trưởng sẽ kỷ niệm lễ ký kết thành lập liên minh chính trị - quân sự xuyên Đại Tây Dương NATO (4/4/1949). "Khi chúng ta đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn, mối liên kết giữa châu Âu và Bắc Mỹ chưa bao giờ quan trọng đến thế", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Vào thời điểm thành lập, NATO có 12 thành viên là các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu. Liên minh được xây dựng trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về Liên Xô. Trọng tâm của NATO là khái niệm phòng thủ tập thể, với nguyên tắc "cuộc tấn công vào một thành viên sẽ được coi là tấn công cả khối".
75 năm sau, NATO có 32 thành viên và nắm vai trò trung tâm trong các vấn đề thế giới, sau khi cuộc xung đột của Nga ở Ukraine khiến các chính phủ châu Âu một lần nữa coi Mátxcơva là mối đe dọa an ninh.
Hai thành viên mới nhất của NATO là Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia liên minh sau khi để phản ứng với việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022.
Tuy nhiên, Nga hôm thứ Tư (3/4) cho biết NATO đã quay trở lại tư duy Chiến tranh Lạnh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với các phóng viên rằng NATO không có chỗ đứng trong "thế giới đa cực" mà Mátxcơva đang tìm cách xây dựng để chấm dứt sự thống trị của Mỹ.
Các ngoại trưởng NATO đã nhất trí bắt đầu lên kế hoạch cho vai trò lớn hơn của NATO trong việc điều phối hỗ trợ an ninh và đào tạo cho Ukraine.
Các nhà ngoại giao cho biết theo đề xuất của ông Stoltenberg, NATO sẽ tiếp quản công việc của nhóm điều phối viện trợ Ramstein do Mỹ dẫn đầu, một phần nhằm đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào của Mỹ nếu ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo các nhà ngoại giao, ông Stoltenberg cũng đã đề xuất một quỹ trị giá 100 tỷ euro để hỗ trợ quân đội Ukraine trong 5 năm. Không rõ liệu con số đó có được NATO chấp nhận hay không, vì cơ quan này đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận.
Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins cho biết nhìn chung các thành viên có "thái độ tích cực" đối với đề xuất này, nhưng các chi tiết cần phải được thảo luận trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ở Washington vào tháng 7.
Vào thứ Năm (4/4), các bộ trưởng cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Ông Kuleba nói với Reuters rằng ông sẽ thúc ép phương Tây cung cấp thêm hệ thống phòng không Patriot để Ukraine tự vệ trước các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo thường xuyên của Nga.
Ông Kuleba nói: “Các đối tác đã cung cấp cho chúng tôi các hệ thống phòng không khác nhau của họ, chúng tôi đánh giá cao điều đó, nhưng đơn giản là nó chưa đủ, xét đến quy mô của cuộc xung đột”.