Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp bạn trẻ sống tích cực hơn. |
TS Lâm cho biết:
Trường tôi là nơi tập trung mật độ cao học sinh cá biệt nhưng quả tình tôi tự nhận thấy mình chưa chú ý đúng mức tới hiện tượng văng tục chửi bậy.
Đọc bài trên báo Tiền Phong, tôi giật mình vì bài báo phản ánh đúng thực trạng của giới trẻ ngày nay. Để khắc phục hiện tượng này, tại trường tôi, tôi đưa tiêu chí lời ăn tiếng nói vào đánh giá đạo đức của học sinh, mà phiếu nhận xét của các thầy cô giáo và cả lái xe nữa là một trong những căn cứ. Tình hình đỡ hơn, nhưng chỉ được bề nổi. Khi thấy người lớn, các em nhắc nhau kìm lại, nhưng khi chỉ có các em với nhau thì “xả” vô tư.
Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn cả là không phải chỉ học sinh trường tôi – một nơi có chủ trương thu nạp tất cả học sinh cá biệt để giáo dục - mới thoải mái văng tục chửi bậy mà học sinh của các “trường ngoan” cũng vậy.
Theo thầy đâu là nguyên nhân?
Học trò ngày xưa có chửi bậy thì người ta cũng vụng trộm, hoặc bật ra khi lỡ miệng và lấy làm xấu hổ nếu có người khác nghe thấy. Hành vi chửi bậy được xem là chỉ có ở những học trò chưa ngoan. Tuy nhiên, ngày nay việc chửi bậy không còn là biểu hiện để phân biệt học trò hư – ngoan nữa.
Nhiều em, kể cả những học sinh bình thường được xem là ngoan nhưng khi đi với bạn bè thì nói một câu là văng ra vài lời tục tĩu ngày càng trở nên phổ biến và các em lại không thấy đó là cái sai.
Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là chúng ta đã để giới trẻ nhầm lẫn giá trị. Các em cứ nghĩ phải nói thế mới là sành điệu, mới là hay trong khi người lớn không để tâm, không lên án kịp thời.
Tiến Sĩ Nguyễn Tùng Lâm. |
Theo thầy, nhà trường và gia đình có thể tác động như thế nào để giảm thiểu sự lây lan đó?
Tôi nghĩ, mỗi gia đình trước hết phải có ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ con em mình, không để văn hoá ứng xử xấu kịp chạm tới hoặc ngấm vào các em. Cái này trước hết là do thái độ của gia đình, của xã hội đối với cái gọi là “người có học”.
Trước đây, đã là học trò nghĩa là được xem người có học. Với người có học, việc nói năng có văn hoá là một chuẩn mực. Nhưng ngày nay, việc học để làm “người có học” không được chú trọng mà chỉ để lấy cái bằng, mà bằng cấp thì giờ cũng nhiều thứ bằng người ta xem rẻ như bèo.
Tuy nhiên, trong những gia đình có văn hoá, tôi tin là các bậc phụ huynh rất quan tâm để uốn nắn con em mình nói năng có văn hoá, thậm chí ai đó nói thô một chút đã bị phê phán.
Tôi cho rằng Bộ GD&ĐT và các trường cũng đã làm đủ cách, trong chương trình học cũng như các hoạt động ngoại khoá để lồng ghép việc giáo dục đạo đức, trong đó loại trừ hành vi nói tục chửi thề. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta làm chưa đủ.
Có lẽ cần phải tổ chức những diễn đàn thu hút sự tham gia của chính học sinh. Những giải pháp mà học sinh nói sẽ hiệu quả, chứ người lớn thì dễ áp đặt và vì thế không khả thi.
Nói tục trên TV khiến teen hung hăng Tiếp xúc với những lời nói tục chửi bậy chiếu trên TV hoặc khi chơi video game khiến vị thành niên có xu hướng hung hăng, theo nghiên cứu mới nhất của Mỹ. Để đi đến kết luận trên, các nhà nghiên cứu công tác tại Trường Đại học Brigham Young khảo sát, phân tích 223 học sinh cấp hai. GS Sarah Coyne nói rằng, việc tiếp xúc với những lời nói bất lịch sự, tục tĩu, bậy bạ khiến teen có xu hướng ngày càng chấp nhận và sử dụng loại ngôn ngữ rác đó. Điều này dẫn tới cách hành xử hung hăng cả về lời nói và việc làm. Brad Bushman, chuyên gia truyền thông tại Đại học bang Ohio, nói: “Nhiều trẻ em tiếp xúc ngôn ngữ rác trên báo hình nghĩ rằng nói như vậy là bình thường. Điều này có thể khiến chúng giảm việc kiềm chế nói tục chửi bậy”. Minh Long |