Các dự án điện gió chật vật vì dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ còn hai tuần nữa là hết thời hạn áp dụng giá cố định (FIT) đối với các dự án điện gió trên cả nước theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 10/9/2018. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã đẩy lùi tiến độ hàng loạt dự án điện gió, khiến cho các nhà đầu tư gặp phải rất nhiều khó khăn.

Nhiều dự án đình trệ vì dịch

Trong lĩnh vực điện gió, HBRE đang cùng với các đối tác triển khai đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió với tổng công suất 370MW tại các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Hà Tĩnh... Tuy nhiên, như nhiều nhà đầu tư điện gió khác, HBRE đang đứng ngồi không yên do sự chậm trễ về tiến độ của các dự án.

Ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng giám đốc HBRE cho biết, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến HBRE nói riêng và ngành điện gió nói chung. Cụ thể, tiến độ cung cấp tuabin gió chậm trễ, công tác vận chuyển thiết bị từ cảng về dự án gặp nhiều khó khăn do các địa phương siết chặt phong tỏa, hoạt động xuất nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn, thiếu nhân lực thi công… dẫn đến thời gian thi công kéo dài hơn đáng kể so với kế hoạch.

Đơn cử như tại dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông (tỉnh Gia Lai), HBRE đang thi công ngày đêm với 3 ca liên tục trong thời gian qua. Đến đầu tháng 10/2021, đã hoàn thành 2/3 khối lượng lắp đặt tuabin và chỉ còn tròn 1 tháng để hoàn thành xây dựng, thủ tục nghiệm thu và công nhận COD trước 1/11/2021 để được hưởng giá mua điện 8,5 UScent/kWh đối với điện gió trên bờ theo Quyết định 39. “Đây là thách thức không nhỏ của HBRE nói riêng và các nhà máy đang xây dựng nói chung”, ông Quy nói.

Các dự án điện gió chật vật vì dịch COVID-19 ảnh 1

Theo ông Quy, nguồn vốn đầu tư điện gió chủ yếu từ nguồn vốn vay ngân hàng, ngành điện gió trong hoàn cảnh hiện nay cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ tương tự như những hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác trong thời gian qua.

“Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ quan tâm, xem xét lùi thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT theo Quyết định 39 đối với điện gió trên đất liền để tạo điều kiện cho các Chủ đầu tư điện đưa dự án hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng, hoàn thành xây dựng đóng điện kịp tiến độ; tránh nguy cơ phá vỡ phương án tài chính được phê duyệt”, ông nói.

Từ các khó khăn của các doanh nghiệp như HBRE, các tỉnh thành đã liên tục có công văn gửi Chính phủ và Bộ Công Thương đề nghị lùi thời hạn áp dụng giá FIT. Làm gì để gỡ khó cho các dự án điện gió?

Ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh Gia Lai có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4 MW được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực. Để kịp đưa vào vận hành thương mại đúng tiến độ trước ngày 01/11/2021, tỉnh đã cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng và tiến hành công tác xây dựng các nhà máy điện gió.

Theo ông Đông, UBND tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép lùi thời gian thực hiện cơ chế giá FIT đối với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến hết ngày 31/12/2021, tức là lùi thêm 2 tháng. Điều kiện đối với các dự án điện gió được lùi thời hạn giá FIT là các dự án điện gió đang triển khai thi công, có chứng cứ chứng minh như Hợp đồng mua bán điện đã được ký kết; Hợp đồng mua sắm thiết bị đã ký kết, đã thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công trong thực tế…

Các dự án điện gió chật vật vì dịch COVID-19 ảnh 2

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp điện gió kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời hạn áp dụng giá FIT thêm 6 tháng đối với các dự án đã thi công nhưng chậm tiến độ do dịch COVI-19 và các khó khăn khác là phù hợp với tình hình thực tế.

“Đây không phải là kiến nghị lùi thời hạn áp dụng giá FIT đối với điện gió mà chỉ đối với các dự án đã thi công nhưng chậm tiến độ do dịch COVID-19. Nếu không được áp dụng mức giá ưu đãi theo Quyết định 39, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, đầu tư không hiệu quả, phá sản thì môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng cho nên rất mong Chính phủ quan tâm cho lùi thời hạn áp dụng giá FIT từ 6 tháng đến 1 năm”, ông Đồng nói.

TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng, đại dịch diễn ra cũng có thể coi như là một sự bất khả kháng đối với các nhà kinh doanh. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng có một số các dự án đã không thể được triển khai đúng theo kế hoạch do ảnh hưởng của giãn cách xã hội và đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Việc lùi thời hạn để gỡ khó cho nhà đầu tư là phù hợp với chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là thúc đẩy phát triển năng lượng xanh và Nhà nước cũng đồng hành - chia sẻ với doanh nghiệp khi khó khăn. Điều này không chỉ giúp ích cho chính các doanh nghiệp đang đầu tư và đang chịu hậu quả của đại dịch này mà còn khuyến khích các nhà đầu tư khác cũng có thể yên tâm tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực theo kêu gọi của Chính phủ”, ông Lộc nói.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến nay đã có 106 nhà máy điện gió gửi hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận COD. Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW. Đến cuối tháng 9 mới có 6 nhà máy điện gió với tổng công suất 272,4 MW được công nhận COD.

MỚI - NÓNG