Các đại gia đang sắp xếp thị trường

Các đại gia đang sắp xếp thị trường
Việt Nam hiện có 7 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và 7 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định. Tuy nhiên, với thế mạnh hiện có, những "cá lớn" đang lấn lướt "cá bé".
Các đại gia đang sắp xếp thị trường ảnh 1
Các doanh nghiệp viễn thông đang thoải mái khuyến mãi, giảm cước, tung ra các gói dịch vụ

Thời gian qua đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ về chính sách trong viễn thông.

Thay cho sự kiểm soát giá cước trước đây, các doanh nghiệp thoải mái khuyến mãi, giảm cước, tung ra gói dịch vụ... Trong số này đáng chú ý là những cuộc "nổi dậy" của doanh nghiệp mới.

S-Fone liên tiếp tung ra gói cước forever và forever-couple với mức cước rẻ gần như miễn phí cho khách... Tuy nhiên, những đòn này chưa đủ nặng ký đối với VNPT và Viettel.

Cụ thể, Viettel tung ra gói cước Tomato mức cước rẻ gần như miễn phí. Tấn công có trọng điểm vào khu vực TPHCM, Viettel tung ra gói cước Happy Zone có mức cước siêu rẻ như gọi "nội vùng"...

"Giật mình" vì bị qua mặt, VNPT buộc phải chạy đua. Vinaphone và MobiFone tìm được giải pháp bằng gói cước Vina365 và Mobi365 với mức cước siêu tiết kiệm chỉ 50.000đ/tháng...

Tuy nhiên, một đòn mà các chuyên gia viễn thông nhận định như một sự sắp xếp thị trường chính là việc VNPT giảm cước cả điện thoại di động và cố định.

Việc áp dụng chính sách "một giá" này là giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp khác bởi lẽ VNPT chiếm tới gần 70% thị phần di động và hơn 80% thị phần cố định. Điều đó tương ứng với việc gần 50 triệu thuê bao điện thoại cả cố định và di động của VNPT hưởng lợi.

Cho đến nay các nhà cung cấp mạng CDMA đã bị sa lầy công nghệ. Không những thế, với việc các đại gia đua nhau giảm cước thì doanh nghiệp nhỏ đã thực sự hụt hơi khi không thể chạy theo cuộc đua.

Các chuyên gia viễn thông phân tích: HT Mobile đã buộc phải chuyển đổi. Bên cạnh đó, S-Fone gần như "khai tử" forever-couple khi buộc phải tăng mức cước đối với khách hàng.

Ngay cả EVN Telecom, dù là nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cả di động và cố định, song với lượng thuê bao còn ít nên không thể bám đuổi cuộc đua vì điều đó đồng nghĩa với chấp nhận thua lỗ một cách mạo hiểm.

Như vậy việc sắp xếp thị trường chỉ còn là cuộc đua "song mã" VNPT - Viettel. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng viễn cảnh sáp nhập giữa các doanh nghiệp viễn thông trong 2009 có thể sẽ xảy ra để từ 2010, thị trường viễn thông Việt Nam đi vào bão hòa.

Theo Phạm Anh
Lao động

MỚI - NÓNG