Các chợ mới hoang vắng trên Tây Nguyên

TP - Nhiều chợ ở Tây Nguyên sau khi được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây mới lại đóng cửa, bỏ hoang, hoặc dang dở. Các dự án “sinh bất phùng thời” này đang gây khó cho cả chính quyền, chủ đầu tư lẫn tiểu thương và các ngân hàng liên quan.
Các chợ mới hoang vắng trên Tây Nguyên ảnh 1

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột, đối thoại với tiểu thương về chợ mới Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)

Pleiku: 2 chợ hoang giữa phố

Đã gần 4 tháng các cơ quan chức năng cố gắng thực thi kế hoạch chuyển chợ Hoa Lư cũ sang chợ mới, nhưng tới nay kết quả đạt được mới chỉ là tháo dỡ đoạn barie phân cách đường Cách Mạng Tháng Tám, để giúp việc qua đường Nguyễn Bá Lân đi vào chợ mới thuận lợi hơn. UBND thành phố Pleiku đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, tuyên truyền, thương lượng, thậm chí cưỡng chế, nhưng vẫn chưa tìm ra phương án khả thi để chuyển chợ. Trước đó, ông Trần Xuân Quang, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku, chỉ đạo, để đảm bảo thực hiện quy hoạch thành phố, đảm bảo an toàn về cháy nổ ở chợ cũ, dù khó mấy cũng dứt khoát thực hiện bằng được việc chuyển chợ cũ sang chợ mới.

Động thổ từ đầu năm 2012 nhưng mãi đến ngày 20/7/2013, công trình mới được bàn giao để tiến hành thủ tục đấu thầu các ki-ốt, lô, sạp. Sau nhiều đợt vận động, đến nay, mới có 34 hộ bốc thăm vào các lô, sạp và ki-ốt chợ mới. Ban quản lý chợ Hoa Lư mới lại phải gánh thêm sức ép từ chính các hộ mới bốc thăm.

Nằm cách chợ cũ chỉ 100 m, chợ mới Hoa Lư có những điểm không thuận tiện cho việc buôn bán; thành phố cũng chưa giải quyết xong việc 41 hộ có hợp đồng thuê ki-ốt thời hạn 30 năm hiện còn hiệu lực ở chợ cũ. Đại diện tiểu thương nêu ý kiến: “Chúng tôi cũng muốn có chợ mới, ngặt nỗi chợ ngốn ngân sách mười mấy tỷ mà làm vậy thì ai vào? Chợ không xây ra sát đường Nguyễn Bá Lân, mà lại dành mặt đường cho hơn 40 lô tái định cư. Vào chợ ngồi khuất bên trong thì mua bán sao được?”. Một trung tâm thương mại khác ở Pleiku là chợ Phù Đổng cũng “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm nay. Đây vốn là Trung tâm thương mại Hội Phú do một doanh nghiệp xây dựng từ trước năm 2008, lúc chưa thành lập phường Phù Đổng. Sau này trung tâm thương mại được chuyển mục đích sang làm chợ, đến nay vẫn chưa sửa chữa hoàn chỉnh. Ông Nguyễn Xanh, Chủ tịch UBND phường Phù Đổng, than: Tình trạng buôn bán dọc đường Hùng Vương và chợ tạm bên hông khách sạn Hoàng Anh Gia Lai vừa mất an toàn giao thông, vừa ô nhiễm môi trường, thiếu mỹ quan… Chiều nào, lực lượng tự quản của phường cũng phải túc trực để ngăn không cho kẻ mua người bán tràn xuống đường. Không biết tới bao giờ chợ Phù Đổng mới được đưa vào sử dụng.

Các chợ mới hoang vắng trên Tây Nguyên ảnh 2

Chợ Phù Đổng (Gia Lai) xây xong để đấy

Đắk Nông: Bán lô 4 năm vẫn chưa xây xong chợ

Năm 2008, UBND huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông thực hiện dự án xây chợ tại thôn 2, xã Nhân Đạo với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, do Cty TNHH Thương mại dịch vụ Hiện Đại ở TPHCM làm chủ đầu tư, dự kiến hoạt động từ năm 2010.

Người dân phản ánh, khi dự án mới ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã chào bán mặt bằng với giá: ki-ốt kinh doanh 400 - 500 triệu đồng, ki-ốt vừa ở vừa kinh doanh giá 600 - 700 triệu đồng, sạp kinh doanh trong nhà lồng giá 20 - 30 triệu đồng. Hơn 100 tiểu thương đã ký hợp đồng và trả tiền.

Chị Phạm Thị Hằng (thôn 8, xã Kiến Thành) ký hợp đồng với chủ đầu tư mua 2 sạp kinh doanh trong nhà lồng chợ Nhân Đạo với giá gần 60 triệu đồng đã 4 năm, nhưng tới nay vẫn phải buôn bán ngoài lề đường. Ông Nguyễn Văn Tình (thôn 2, xã Nhân Đạo) đầu tư 400 triệu đồng để mua ki-ốt kinh doanh. Ông nói: “Tháng 10/2010, gia đình tôi đã ký hợp đồng, giao đủ tiền cho chủ đầu tư, nhưng không biết đến bao giờ chủ đầu tư mới giao mặt bằng để chúng tôi kinh doanh?”.

Ông Phạm Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, cho biết, hiện nay, chợ vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành như hệ thống phòng cháy chữa cháy, công trình phụ, hệ thống xử lý nước thải… Mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân lại kiến nghị, xã cũng đã mấy lần làm văn bản, tờ trình gửi huyện. Mới đây, chủ đầu tư dự án trở lại, đề nghị cho ki-ốt, nhà lồng đã hoàn thành vào hoạt động. Xã không đồng ý vì họ chưa làm xong các hạng mục để nghiệm thu.

Ông Nguyễn Ngọc Tánh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk R’lấp nói rằng, chủ đầu tư chợ Nhân Đạo không chỉ bán ki-ốt, thu tiền của dân khi chợ chưa hoàn thành mà còn nợ Nhà nước hơn 3 tỷ đồng tiền thuê đất. UBND huyện Đắk R’lấp đã nhiều lần mời ông Hà Hồng Vũ, Giám đốc Cty Hiện Đại, đến làm việc nhưng không nhận được hồi âm. “Cuối tháng 9/2014, ông Vũ đến UBND huyện, chúng tôi đã yêu cầu ông Vũ phải sớm hoàn tất dự án xây chợ”, ông Tánh nói.

ĐắK LắK: Tranh cãi mãi chưa xong

Về khu chợ B Buôn Ma Thuột xây xong đóng cửa hơn nửa năm qua vì quan điểm bất đồng giữa các nhóm tiểu thương với nhà đầu tư và chính quyền, sáng 14/9, khoảng 70 tiểu thương khối chợ tạm ở đường Lê Hồng Phong, Buôn Ma Thuột lại kéo ra ngã sáu trung tâm thành phố giăng băng-rôn, khẩu hiệu tiếp tục đòi hạ giá thuê quầy sạp ở chợ mới.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Y Dham Enuol mới đây ký văn bản quy định các mức giá cho thuê quầy-sạp-kiốt ở chợ mới theo khung giá không quá 300.000đồng/m2 mà Nghị quyết HĐND tỉnh mới ban hành. Vị Phó Chủ tịch tỉnh đã phải thân chinh đến Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh, gọi thêm giám đốc Cty Chợ Buôn Ma Thuột là chủ đầu tư, cùng Phó giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND thành phố đến để lắng nghe nguyện vọng của các nhóm tiểu thương ngày càng tụ tập đông dần, đến hơn 200 người kéo vào hội trường bày tỏ nguyện vọng. Trước sự ồn ào, huyên náo của đám đông, Phó Chủ tịch tỉnh đành hẹn sẽ tổ chức thêm một cuộc đối thoại nữa, với đại diện các nhóm tiểu thương và các bên liên quan.

Chiều 14/9, tại UBND thành phố Buôn Ma Thuật, lại thêm một cuộc tranh cãi giữa các bên liên quan. Tiểu thương đòi hạ giá thuê ki-ốt, ưu tiên cho những người đang kinh doanh ở chợ tạm, bốc lô không phân biệt người nộp tiền trước hay sau, gia hạn thời gian kinh doanh tại chợ tạm tới tết nguyên đán. Chủ đầu tư và đại diện chính quyền cho rằng, giá thuê sạp tỉnh mới ban hành đã hạ thấp hết mức có thể, theo đúng quy định pháp luật, khi vào chợ mới, hộ nào khó khăn sẽ có chính sách hỗ trợ.

MỚI - NÓNG