Ca sĩ Siu Black: Về thương mấy cõi nhân gian

Ca sĩ Siu Black.
Ca sĩ Siu Black.
Gần 2 năm sau scandal cuộc đời, Siu Black trở lại sân khấu, đường hoàng trong một liveshow công phu. Lo lắng vẫn bao trùm, nợ nần vẫn chất chồng. Nhưng, hôm ấy, Siu lộng lẫy như vốn phải thế. Siu đã cười. Và đã khóc.

Sẽ chẳng thể nào gặp được Siu, nghe Siu nói đôi câu, rằng: “Lòng bây giờ đã nhẹ nhiều. Siu đang học cách tha thứ cho mình” nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của một người bạn bên truyền thông. Bạn quen gọi tôi bằng bút danh, chốt danh sách ở cửa vào. Tôi quên bẵng, đến nơi nói tên thật, đứng lóng nga lóng ngóng, khiến bạn đang tất bật việc, phải chạy ra đón.

1. Tháng còn Giêng, nắng vàng rượm trên những triền đồi, hương xuân còn sót lại trong những cánh rừng, thoang thoảng mùi của hoa, của cỏ. Tháng còn Giêng, mùa con ong đi lấy mật, mùa con nước rừng đang dần vơi, Siu xuống Sài Gòn. Lâu lắm rồi, Siu mới đặt chân về phố. Chuyến đi này khiến Siu bất chợt nhớ về chuyến đi của 20 năm về trước. Khi cái nắng cái gió của đại ngàn còn đậm đặc.

Ngày ấy, Siu một mình một ngựa xuống phố mà lòng hân hoan, phấp phới lạ lùng. Nỗi hân hoan của kẻ tha hương, ôm mộng lập danh nơi đất lạ. Bây giờ, đường về phố đâu còn khó như ngày xưa mà sao Siu thấy xa quá. Huống hồ nơi ấy còn có bạn bè. Gọi là bạn bè thôi, còn ai bạn ai bè, đời sống vọng động như sóng ào ạt đánh bờ, Siu biết đâu mà lần.

Ánh chiều chậm chạp rơi trong phòng tập, tiếng quạt gió vù vù, Siu nhễ nhại lau mồ hôi, khe khẽ nói, rất nhiều lần, trong suốt hai năm qua, nơi bốn bức tường, Siu thường nghĩ về những tháng ngày tươi đẹp xưa cũ. Là tự dưng nằm, ngồi, ký ức cứ thế ùa về, lúc thấp thoáng, lúc rõ mồn một, chứ nào có chủ ý. Như một quy luật tâm lý, vào những lúc quẩn quanh người ta thường mường tượng về những ngày xưa cũ, để trốn chạy hiện thực, mà cũng là để lấy sức để gượng dậy.

Ngày ấy, Siu là cô bé Bana sinh ra ở Plei Tơ Nghia, cái làng có ngôi nhà rông Kon Rbang bề thế và nổi tiếng khắp vùng, trong một gia đình quyền thế, giàu sang. Chuỗi ngày yên ấm sớm khép lại khi cha mẹ Siu lần lượt về với Giàng. Bà con trong họ thương nhưng gia cảnh chẳng khá gì cho cam, đành chia chị em Siu ra mang về nuôi nấng.

Siu về Đắk Lắk với bác H’ Jưp là giáo viên. Nhà 7, 8 người đùm túm trong túp lều nhỏ xíu. Hiểu nỗi vất vả của bác, học hết phổ thông Siu theo bác lên rẫy. Cuộc đời luôn có những món quà bất ngờ. Siu đâu biết, lần tham gia hội diễn ở trường, giọng hát mượt mà, khỏe khoắn của Siu đã được nhạc sĩ Linh Nga Niêkdam để ý. Một bữa, từ rẫy về, nghe có cán bộ Đoàn xuống xin bác cho Siu làm cộng tác viên, Siu buông cây dao phát cỏ, thẹn thùng lấy cái nón che đi chỗ rách trên chiếc váy đã bạc màu…

Siu được cho theo học trung cấp thanh nhạc, rồi dần dần trở thành giọng ca chủ lực của Đoàn Ca múa Đắk Lắk, sau cố Nghệ sĩ nhân dân Y Moan, với nhiều thành công rực rỡ. Định mệnh run rủi, Siu gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, trong lần ông về lại cao nguyên, đi tìm nghĩa cho một câu hát ru Bana. Nghe Siu hát, Nguyễn Cường sửng sốt thốt lên rằng: “Trong vòng 20 năm nữa, chắc chắn Tây Nguyên sẽ không có một giọng ca nào như Siu Black”.

Một giọng ca mà sau này nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cũng trầm trồ: “Hiếm, độc đáo, duy nhất và khó bắt chước, lặp lại trong showbiz Việt, bởi chất giọng mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng và đáng kể là tự nhiên, phóng khoáng hết sức, không hề lên gân, màu mè”.

Một giọng hát mà: “Độ lên cao, độ mở sáng chói, lúc là lửa lúc là lụa, chỉ cần cất lời là thuyết phục được người nghe ngay, hút hồn ngay. Một giọng rock không có đối thủ, tự nhiên hết sức, có sẵn từ trong máu thì mới có thể tự nhiên đến thế, đời đến thế, đến mức chỉ cần Siu khẽ lắc hông, gằn giọng một chút thôi, là lập tức có ngay rock, mà là rock thứ thiệt, nguyên bản, đậm đặc, giữa rất nhiều thứ rock giả…” như chia sẻ của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

Chuyến đi ấy, nhạc sĩ Nguyễn Cường viết Thềnh Thềnh Oh ơi, ca khúc gắn liền với giọng hát của Siu Black và mang về cho chị danh hiệu Ngôi sao nhạc nhẹ tại Liên hoan Nhạc nhẹ toàn quốc ở Nha Trang. Tưởng đường công danh đã rộng mở, thì đoàn ca múa rơi vào khó khăn như nhiều đoàn văn nghệ trên khắp cả nước lúc bấy giờ. Siu đi hát nhưng sống bằng nghề nương rẫy. Khó khăn chồng chất khó khăn, vợ chồng Siu dắt díu con về lại Kon Tum. Siu đi hát mọi lúc mọi nơi, hát cho công nhân thủy điện, hát cho bà con buôn làng.

Ca khúc Em muốn sống bên anh trọn đời của nhạc sĩ Nguyễn Cường ra đời, đưa giọng hát Siu vươn xa ra khỏi Tây Nguyên, lan ra cả nước và vượt ngoài biên giới. Siu trở thành ngôi sao, là niềm tự hào của núi rừng khi trở thành giọng hát được yêu thích tại Nhật Bản năm 1996. Sau đó, Siu đoạt luôn giải nhất Giọng hát vàng ASEAN năm 1997 - 1998.

2. Siu nhướn đôi mắt buồn buồn, mọi thứ như chỉ mới ngày hôm qua. Còn sống động lắm. Vậy mà… Đâu rồi những đêm diễn rần rần khán giả, tiếng vỗ tay như sấm chớp, có hôm chực vỡ sân khấu? Đâu rồi kẻ đón người đưa. Đâu rồi những tràng cười sảng khoái hết mực? Tất cả khít rịt quấn lấy Siu. Siu nói, điều Siu thèm nhất lúc ấy là được cất một câu ca, được cất một tiếng cười cho thiệt đã. Mà làm sao có thể hát, có thể cười khi lòng Siu đang ngổn ngang. Khi người ta hai mươi, sức trẻ tràn trề. Bởi ngoài tuổi trẻ, người ta có gì đâu để sợ hãi, để lo lắng, ngoài việc lãng phí nó. Mà, có tuổi trẻ là có tất cả.

Vấp ngã chỉ là một quãng nước trên con đường ổ gà, dẫu rộng dẫu dài, nhoáng chân cái là phốc qua. Khi người ta ngoài ngũ tuần, một cú trượt nhẹ thôi cũng khiến người ta giật mình, xáo trộn. Huống chi bây giờ Siu mang trong mình bao nhiêu căn bệnh. Những căn bệnh của muộn phiền. Tiểu đường, huyết áp cao. Hỏi, sao không đi khám, Siu cười buồn: “Sợ đi rồi, biết thêm nhiều bệnh nữa”. Mà cũng có thể vì, tiền đâu để đi…

Có những tháng ngày, nước mắt Siu thay cơm, quẩn quanh, tù đọng. Khóc đến nỗi, tưởng hai con mắt sắp bục ra trôi theo dòng nước. Vậy mà nỗi buồn cứ ở đó, chực chờ như hổ đói rình mồi. Siu giận bản thân lắm. Giận sự dại dột, cả tin đến mờ lý trí. Giận những phiền muộn Siu gây ra cho bao người. Hơn hết, Siu giận bản thân đã bước vào cánh cửa mà phía sau nó là bức tường. Đôi khi, Siu tự hỏi, nếu biết trước, Siu có như vậy không? Siu không dám trả lời. Biết là chẳng thể đổ lỗi cho yếu mềm. Nhưng mấy ai tránh được giây phút sa chân. Ngoảnh lại, mọi chuyện đã rồi… Như người lái xe trong đêm dày đặc sương mù. Cứ bám vạch trắng trên đường mà đi. Ai biết điều gì đang đợi mình phía trước.

Càng dằn vặt, Siu thấy mình như bị đám suy nghĩ hỗn mang kia nuốt chửng. Đôi khi, trong cơn quẫn cùng, Siu đã nghĩ đến cái chết. Gần đến nỗi chỉ cần đưa tay với hờ là nắm được. Chợt, Siu nghe vang vọng tiếng của hai đứa con trai. Hai đứa con mà ngày cuộc hôn nhân của Siu tan như khói thuốc ban chiều đã ở lại bên Siu. Hai đứa con trước những tủi hổ Siu gây ra, cố giấu ánh hắt hiu như buổi chiều mây xám đầy trời, cất cả những lời dè bỉu miệng đời, lặng lẽ chăm sóc, động viên Siu. Một hai bắt Siu đi chỗ này chỗ kia cho khỏa khuây. Là vậy đó, ngay ranh giới mong manh giữa sống và chết, chỉ một sợi dây mảnh thôi, chỉ cần một tia sáng lóe lên cuối đường hầm, đã đủ để níu chân người ta khỏi dại dột và tuyệt vọng.

3. Siu biết “dòng sông đã qua đi, không thể trở lại”. Siu biết, nếu chỉ ngồi đó khóc, thương vãn quá khứ, Siu sẽ chẳng giải quyết được gì. Vết dấu này, dĩ nhiên sẽ không phai trong đời Siu, nhưng không thể là một dấu chấm hết. Siu khát khao được đứng dậy, được bung thoát khỏi những tù túng đó, được cất cao đôi cánh bay lên như chú chim đang véo von trên cành đầy nắng. Nhưng rồi, Siu cụp mắt, biết bắt đầu từ đâu? Thi thoảng, bạn bè thương Siu, mời góp mặt đôi bài trong chương trình này kia. Siu mừng như trẻ nhỏ được quà. Chưa kịp thỏa thì kèm nỗi lo, lẫn ái ngại trào dâng. Siu ngại cho bạn, ngại cho mình.

Cũng như các bầu show ngại Siu. Bởi lần nào Siu xuất hiện cũng ồn ào, tại sân khấu và trên mặt báo, theo cái cách mà một người với quãng đường gây dựng suốt hai mươi năm không cho phép, không mong muốn và cũng không thể chấp nhận được. Hỏi những ngày qua sống thế nào, Siu khe khẽ đáp: “May mà còn có gia đình…”. Rồi Siu đi hát loanh quanh trong bản, hát cho công nhân nhà máy, xí nghiệp như ngày xưa. Mạch nguồn của núi rừng chở che và vực Siu dậy như cái cách nó đã nâng bước đứa con của làng. Siu nói bây giờ Siu đang học cách tha thứ cho mình. Phải, chỉ có tha thứ cho bản thân thì mới bắt đầu đứng dậy được.

“Giờ ai kêu chị cũng hát. Rồi những show giám khảo chị cũng sẽ nhận lời. Để giải quyết nợ nần” - Siu quyết tâm và hy vọng.

“Dấu ấn” đến với Siu như một cứu cánh. Họ đề nghị tổ chức cho Siu liveshow cách đây nửa năm nhưng Siu băn khoăn mãi mới gật đầu. Chứng kiến bao nhiêu con người lặn lội từ Sài Gòn lên bản, lạ nước lạ cái, có người suýt chết vì mải mê tìm bối cảnh sao cho hình ảnh Siu đẹp nhất, lung linh nhất; chứng kiến bao nhiêu con người quần quật, bối cảnh, phục trang, dàn dựng,… thậm chí cả khâu bảo vệ, Siu khóc ngon lành như một đứa trẻ.

Họ đã vì Siu, lo toan từ A đến Z, vận động tất cả những nguồn lực họ có thể, ngay cả những điều thiết thân nhất mà bản thân nghệ sĩ đáng lẽ có thể tự lo được. Dường như họ muốn bù đắp cho Siu, bù đắp vì với tài năng và thành công như vậy, Siu đáng lẽ phải được nhiều hơn thế. Họ thương bởi Siu chẳng được bước đi trên thảm đỏ, chẳng được tươi cười trước ống kính nơi dựng backdrop, chẳng có được cảm giác khán giả, bạn bè ùa lên sân khấu, vây quanh toàn hoa là hoa như nhiều nghệ sĩ khác.

Tất nhiên, việc ekip ấy làm và phải làm tốt là trách nhiệm với công việc họ đảm nhận. Nhưng, ngoài trách nhiệm còn có cả sự trân trọng một tài năng và thấu hiểu. Bởi chẳng ai dại gì lại lao vào một cá nhân đầy hồi hộp như Siu. Hơn nữa, chương trình được truyền hình trực tiếp. Ai mà biết được, liệu có chuyện tương tự như ở phòng trà Nam Quang cách đây 2 năm.

Tôi gặp Siu trước đêm diễn, không dám hỏi nhiều, lo chị xuống tinh thần. Chỉ hỏi tránh: “Chị xuống vầy, người ta (chủ nợ-NV) biết không?”. “Nhiều người biết, họ gọi điện hỏi thăm và chúc mừng chị. Mong sớm thấy chị đi hát trở lại”. Gần 2 năm sau scandal cuộc đời, Siu Black trở lại sân khấu, đường hoàng trong một liveshow công phu. Lo lắng vẫn bao trùm, nợ nần vẫn chất chồng. Nhưng, hôm ấy, Siu lộng lẫy như vốn phải thế. Siu đã cười. Và đã khóc. Những giọt nước mắt rạng ngời. Như câu hát: “…Vượt lên số phận cớ sao không?/ Vượt lên chính mình cớ sao không?/ Câu ca xưa, còn gọi ta mãi mãi, ngẩng đầu lên!”.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.