Ballet và 3D
Một số nghệ sỹ lớn của thế giới tới Việt Nam biểu diễn, điều này không còn xa lạ nữa. Nhưng mang theo nguyên một nhà hát, với hơn trăm con người đến Hà Nội chỉ để diễn một đêm quả không phải vừa. Dịp này, Talarium Et Lux, một nhà hát ballet danh tiếng ở Nga sẽ có mặt ở Hà Nội cho một đêm như thế.
Nhà hát này ra đời năm 2012 để bảo tồn các tác phẩm ballet truyền thống của Nga. Đây được xem là vũ đoàn ballet hàng đầu thế giới, quy tụ những vũ công xuất sắc, không ít người xuất thân từ nhà hát danh tiếng Bolshoi. Giám đốc chính là huyền thoại ballet thế giới Mikhail Lenonidovich Lavrovsky, nguyên giám đốc nhà hát Bolshoi, người khai phá nghệ thuật ballet trên băng.
Kể từ khi công diễn lần đầu năm 1887, Hồ thiên nga của Tchaikovsky trở thành tác phẩm kinh điển. Để thu hút công chúng đến với ballet, những nghệ sỹ sáng tạo không ngừng này kết hợp những kỹ thuật đa phương tiện, sử dụng thủ pháp vũ đạo biểu diễn độc đáo để nâng cao hiệu ứng sân khấu. Khán giả thưởng thức vở ballet kinh điển Hồ thiên nga trên nền hình ảnh đồ họa 3D độc đáo.
Khán giả không cần mang kính 3D vẫn có thể tận hưởng những hiệu ứng hình ảnh sống động. Cả sàn diễn và năm màn hình điện tử lớn biến thành không gian truyện cổ tích. Phần đồ họa này do đội ngũ kỹ thuật hình ảnh từng tham gia dàn dựng bối cảnh 3D của Thế vận hội mùa đông Sochi (Nga) thực hiện. Nhà hát phối hợp với công ty phụ trách dàn dựng ánh sáng laser trong lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội mùa đông Sochi, sử dụng công nghệ laser 3D hiện đại nhất. Sau hai năm thử nghiệm, các nghệ sỹ tạo nên hình thức biểu diễn chưa từng có trong lịch sử trình diễn môn nghệ thuật này.
Sergey Baturin, Phó giám đốc nhà hát Talarium Et Lux nói: “Chúng tôi muốn làm cho câu chuyện cổ tích trở nên sống động bằng ứng dụng đồ họa 3D vào các vở diễn cổ điển. Thậm chí khán giả chưa một lần xem ballet cũng thích điều này”. Ông nói thêm, sự xuất hiện của đa phương tiện không làm ảnh hưởng đến vũ đạo ballet cổ điển. Nhiều đạo cụ sân khấu nhường chỗ cho các đoạn video trình chiếu trên màn hình lớn. Loại bỏ thiết kế sân khấu truyền thống, nghệ sỹ ballet có phần dễ dàng hơn trong di chuyển khi lưu diễn, và ngay cả biểu diễn trên sân khấu nữa.
Đòi hỏi khắt khe
Được biết, đơn vị tổ chức mất gần hai năm để thương lượng với nhà hát Talarium Et Lux cho đêm diễn duy nhất 1/8 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Một trong những khó khăn để đàm phán là khớp lịch diễn-nhà hát thường kín lịch suốt 6 tháng liền. Không thể phủ nhận khó khăn khác về tài chính để vận chuyển hơn trăm con người, hàng tấn thiết bị từ Nga sang. Nghe đâu chi phí không dưới 1 triệu USD. Nếu nhà tổ chức có bán hết vé ở Trung tâm Hội nghị quốc gia thì vẫn chưa đủ cho một nửa chi phí. Tìm kiếm nhà tài trợ phù hợp và đúng thời điểm diễn ra chương trình trong thời kinh tế khó khăn, quả gian nan. Ngoài ra, còn phải đáp ứng yêu cầu ăn nghỉ cho chừng đó con người, đặc biệt tuyệt đối không để diễn viên mất tinh thần vì nhìn thấy gián, chuột chẳng hạn.
Đó chưa phải là khó khăn nhất mà nhà sản xuất gặp phải. Từ nhiều tháng nay họ phải chuẩn bị, để đáp ứng mọi yêu cầu về cơ sở vật chất khắt khe từ Talarium Et Lux. Trước khi cả đoàn nghệ sỹ có mặt ở Việt Nam ngày 27/7, họ gửi sang “bản yêu sách” dài dằng dặc.
Đại diện nhà sản xuất tiết lộ, yêu cầu của họ tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết: Băng keo dán thảm, thay toàn bộ rèm, số lượng đèn và chủng loại đúng yêu cầu. Nhựa thông dùng cho giày múa của diễn viên phải mang từ Nga về. Mặt sàn múa đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt loại thảm diễn viên múa phải đúng loại họ dùng ở Nga. Nếu nhà sản xuất không tìm được, hẳn phải đặt từ Nga đem về.
Sân khấu của Trung tâm Hội nghị quốc gia hẳn là không phù hợp cho ballet. Đại diện nhà hát hứa, họ sẽ lật tung mặt sàn lên và xử lý toàn bộ. Mặt sàn bắt buộc phải rộng đủ 300m2 cho diễn viên di chuyển. Do công nghệ 3D ứng dụng trong vở này, nên phía Việt Nam cũng phải chuẩn bị màn hình LED đủ 300m2 - yêu cầu chưa từng có cho một buổi diễn ở trong nhà. Tất nhiên phía ta chỉ chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ kỹ thuật và họa sỹ của họ tự tay thiết kế sân khấu.
Để tuyển diễn viên cho vở Hồ thiên nga này, Tổng đạo diễn kiêm biên đạo múa M. Lavrovsky mất nhiều tháng đi hơn chục thành phố của Nga. Đầu quân cho Hồ thiên nga là dàn diễn viên sáng giá của các nhà hát vũ kịch ballet nổi tiếng: A.Evdokimov và D.Kosyreva (Nhà hát kịch Matxcơva), K. Adjamov và E. Nebesnaya (Nhà hát kịch Mariinsky), S. Smirnov và A.Timofeeva (Đoàn vũ công ballet Điện Kremlin), D.Akinfeev của Nhà hát kịch Stanislavsky. Năm 2014, Hồ thiên nga phiên bản mới này gây chú ý, được mời đến Israel, và một số quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Ý trình diễn.