Ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có xu hướng giảm, nhưng không được chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
Ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có xu hướng giảm, nhưng không được chủ quan
TPO - Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 qua ngày từ 9 - 11/8, số ca mắc được phát hiện mới trên địa bàn thành phố đã có xu hướng giảm sâu. Trong đó, ngày 11/8 so với ngày 10/8 đã giảm 22 ca.

Trao đổi với phóng viên, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, hiện nay, số ca dương tính SARS-CoV-2 mới phát hiện trong một vài ngày qua trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm.

Cụ thể, ngày 9/8 phát hiện 70 ca dương tính; ngày 10/8 phát hiện 62 ca và ngày 11/8 phát hiện 40 ca. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, dù ca bệnh có xu hướng giảm nhưng người dân 'tuyệt đối không được chủ quan'.

"Hiện nay, vẫn xuất hiện một số ổ dịch mới trên địa bàn, thêm vào đó, ở các ổ dịch cũ còn phát sinh các ca mắc mới, do đó, nguy cơ dịch trên địa bàn thành phố vẫn rất cao. Chúng tôi dự báo, trong tuần nay và tuần tới vẫn sẽ phát sinh các ca nhiễm mới.

Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan mà cần thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, không ra đường khi không cần thiết, ai ở đâu ở yên đó theo yêu cầu của Thủ tướng, Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố", ông Tuấn nói.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung tăng cường việc xét nghiệm ở các ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, đối tượng có nguy cơ cao để nhanh chóng phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Đồng thời, truy vết triệt để F1, khoanh và giảm “vùng đỏ” (vùng có nguy cơ rất cao), không để phát sinh chùm ca bệnh mới.

"Chính vì vẫn có rải rác các ca mắc mới không có triệu chứng, không có liên quan yếu tố dịch tễ, tiềm tàng lâu ngày nên thành phố phải tiến hành triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng ở các khu vực, trọng tâm là "vùng đỏ" để sớm bóc tách F0 khỏi cộng đồng", ông Tuấn nêu.

Lãnh đạo CDC Hà Nội cũng nhận định, dù thành phố đã tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vài tuần qua và có nhiều khuyến cáo, yêu cầu nhưng hiện nay, việc đi lại của người dân ngoài đường vẫn còn nhiều.

"Tôi muốn nói rằng, trong phòng, chống dịch COVID-19, ngoài công tác xét nghiệm thì việc đẩy mạnh tiêm vắc xin là rất quan trọng và thành phố đã, đang đẩy nhanh việc tiêm cho người dân khi có vắc xin được phân bổ về", ông Tuấn nói, đồng thời cho rằng, ý thức tự giác, trách nhiệm của người dân trong việc phòng, chống dịch, không ra đường khi không cần thiết, nghiêm túc thực hiện 5K; các cơ quan, đơn vị không cần thiết phải dừng hết mới chính là vắc xin tốt nhất.

"Khi chúng ta hạn chế tối đa được việc giao lưu, ra đường cũng là hạn chế tối đa được sự lây lan của dịch bệnh", ông Tuấn nêu.

Từ thực tế, phát hiện nhiều trường hợp dương tính khi có các triệu chứng, dấu hiệu ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm, mất khứu giác, vị giác... trong cộng đồng, Phó Giám đốc CDC Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố nếu có các dấu hiệu này cần thông báo ngay đến cơ quan y tế để được tư vấn, hướng dẫn, lấy mẫu xét nghiệm.

Ông phân tích, một trường hợp khi có các dấu hiệu trên có thể đã mắc COVID-19 nên nếu không được lấy mẫu sẽ không thể chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều này, sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh chuyển biến nặng và có thể gây nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng cũng như nguy cơ lây nhiễm rộng ra cộng đồng.

"Khi có các ca nhiễm tản mác, được chẩn đoán muộn sẽ làm cho tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, kéo dài, khó kiểm soát.

Do vậy, hiện nay, hàng ngày, đều có nhân viên y tế trực tại các trạm y tế xã, phường để tiếp nhận thông tin, hướng dẫn, lấy mẫu cho các trường hợp này. Tất cả các xét nghiệm đều được thực hiện miễn phí", ông Tuấn nói thêm và nhấn mạnh, chỉ khi các trường hợp mắc bệnh tản mát trong cộng đồng được phát hiện sớm, cách ly kịp thời thì mới có thể khống chế được đợt dịch này.

MỚI - NÓNG