Cả huyện đi giữ vàng… đen

Lực lượng công an xã và dân quân của 13 xã thị trấn huyện Bắc Trà My được huy động để bảo vệ khoáng sản.
Lực lượng công an xã và dân quân của 13 xã thị trấn huyện Bắc Trà My được huy động để bảo vệ khoáng sản.
TP - Núi Hòn Bà (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị cày xới tan hoang bởi nạn khai thác thiếc trái phép. Để bảo vệ khoáng sản, huyện nghèo Bắc Trà My phải huy động lực lượng của 13 xã và thị trấn để cùng tham gia bảo vệ. Mỗi năm huyện này phải chi tiền tỷ để bảo vệ kho “vàng đen” và chờ Bộ cấp phép cho khai thác.

Tan hoang vì khai thác trái phép

Núi Hòn Bà địa phận xã Trà Giang, Bắc Trà My có diện tích hơn 10.000ha. Tuy chưa có đánh giá cụ thể về trữ lượng, nhưng mấy chục năm qua, nạn khai thác trái phép diễn ra rầm rộ, diện tích lớn rừng ở đây bị phá và khối lượng lớn khoáng sản thất thoát không kể đếm được.

Mất 2 giờ đồng hồ lội suối, leo núi chúng tôi có mặt ở bãi Sân Bay thuộc khu vực Dương Hòa nép mình dưới chân Hòn Bà. Đây là khu vực bị người dân tứ xứ kéo về khai thác từ những năm trước. Thiếc bị lấy đi, để lại hiện trường ngổn ngang với những hố sâu hun hút. Đi sâu vào bãi là những am thờ người xấu số tử nạn do sạt lở, vùi lấp, bệnh tật bỏ mạng giữa rừng.

Theo người dân địa phương, giá thiếc có thời điểm lên đến 250 - 300 ngàn đồng 1kg. Mỗi ngày lên núi khai thác một người dễ dàng có được 5 - 7 kg. Vì thiếc lộ thiên, dễ khai thác nên số lượng người kéo đến khu vực này có thời điểm đông như hội.

“Nếu cứ thế này, khoáng sản vẫn thất thoát và ngân sách tiếp tục tốn kém, trong khi huyện đang nghèo. Tôi e rằng, nếu kéo dài nữa, khi được cấp phép thì khoáng sản cũng chẳng còn”.

Ông Xuân lo ngại

Nhìn những chiếc am thờ nằm lạnh lẽo giữa nham nhở đất đá, anh Trung người dẫn đường, cho hay: Mấy năm trước cơn sốt giá thiếc đã kéo hàng trăm người dân khắp nơi đổ về. Bị truy quét, tình hình nay đã có phần dịu lại nhưng nhiều điểm vẫn lén lút làm. Đã có những cái chết thương tâm do sạt lở, sốt rét xảy ra.

Điều đặc biệt, dù là núi cao nhưng đất đá ở đây rất mềm, chỉ cần dùng tay có thể bóp nát những cục đất đá to bên trong chứa hạt thiếc li ti. Người dân khai thác trái phép chỉ cần dùng vòi nước xịt vào cho đất đá chảy tan rồi sàng, hứng là có thiếc. Nhiều vụ sập hầm, chết người là vì thế. “Thiếc được bán cho thương lái nhưng không biết thương lái bán đi đâu. Chỉ nghe đồn là bán qua Trung Quốc”, ông Trung cho hay.

Sân Bay chỉ là một trong số những điểm khai thác của khu vực bãi Dương Hòa này. Theo đường mòn càng đi sâu vào vùng rừng khung cảnh càng tan hoang, nham nhở. Từ đỉnh núi nhìn xuống, dòng suối  Ồ Ô một màu đục quánh chảy về xuôi. Theo thống kê phòng TN&MT huyện Bắc Trà My, có gần 100 ha rừng ở khu Dương Hòa bị chặt phá để khai thác trái phép. Ngoài ra, khu vực bãi Nước Oa (xã Trà Tân) cũng bị nạn khai thác trái phép chặt phá, cày xới hơn 50 ha.

Ăn rau rừng cầm cự làm nhiệm vụ

Tại bãi Dương Hòa, một lán trại vừa được UBND huyện đầu tư lợp tôn, đóng gỗ kiên cố để lực lượng làm nhiệm vụ chốt chặn túc trực 24/24h. Việc chốt chặn đã phát huy hiệu quả khi khu vực này không còn bóng dáng của những kẻ khai thác thiếc trái phép. Tuy nhiên, cả một khu vực rộng lớn của núi Hòn Bà thì 5 anh em gồm công an xã và dân quân có mặt ở đây không thể quản xuể.

Ông Đinh Văn Xưa, Phó trưởng công an xã Trà Tân phụ trách nhóm công an viên và dân quân tự vệ của xã đã túc trực ở đây được gần một tuần. Theo  phân công, nhóm 5 người của ông Xưa sẽ bám trụ ở đây vào dịp Tết Nguyên đán.

Ông Xưa cho biết: Theo lịch phân công của huyện, anh em công an xã, dân quân của 13 xã thị trấn thay phiên nhau túc trực ở hai bãi Dương Hòa và Nước Oa. Mấy phiên trước, anh em phải tự dựng lán trại, mắc võng ngủ giữa rừng. Huyện cho tôn, hỗ trợ kinh phí, anh em gánh lên đây dựng lán trại cũng an tâm phần nào. Mỗi lượt canh giữ kéo dài một tháng, giữa rừng ròng rã và buồn thiu. Tết này, anh em chấp nhận ở lại đây đón Tết. 

Cả huyện đi giữ vàng… đen ảnh 1

Anh em công an xã, dân quân hái rau rừng, cầm cự chốt chặn.

“Mỗi ngày, một người được huyện hỗ trợ 150.000 đồng. Riêng ăn uống anh em phải tự lo. Vì nhiệm vụ chứ từng đó tiền, không đủ một ngày công anh em làm ở nhà. Lên đây ở ròng rã cả tháng trời, trong khi việc nhà đủ thứ, vợ con không ai lo”, ông Xưa cho biết.

Canh giữ giữa rừng sâu bao mối nguy hiểm, chưa kể ốm đau bệnh tật. Mới hôm kia, anh Đinh Văn Hiếu, dân quân của xã sốt rét, anh em phải cõng xuống núi chữa trị. Hằng ngày, ngoài cơm, thức ăn chủ đạo của anh em canh gác ở đây chỉ có rau rừng. Thỉnh thoảng, anh em lại bẫy chuột rừng để cải thiện.

“Nếu kéo dài như thế này mãi, anh em sẽ chẳng ai đi nữa đâu. Ở lâu trong này, dễ thành người rừng quá”, anh Đinh Văn Dương, dân quân tự vệ xã Trà Tân than thở.

Huyện nghèo chi tiền tỷ

Trước tình trạng khai thác thiếc trái phép, từ đầu năm 2015, UBND huyện Bắc Trà My phải huy động lực lượng của 13 xã, thị trấn tham gia bảo vệ chốt chặn khu vực Dương Hòa và Nước Oa. Đến nay, tình trạng khai thác lậu đã được hạn chế nhưng với huyện nghèo, không thể kéo dài mãi, bởi ngân sách có hạn, chi phí cho chốt chặn rất cao.

Ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng TNMT huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Đây là việc đau đầu của huyện lâu nay. Không giữ thì thất thoát tài nguyên, phá rừng, ô nhiễm môi trường, bị công luận lên tiếng, tỉnh khiển trách phê bình. Nhưng giữ thì chi phí quá lớn. Trong khi ngân sách của huyện nghèo rất hạn chế”.

Ông Xuân cũng cho hay, việc khai thác thiếc ở khu vực núi Hòn Bà bắt đầu manh nha từ năm 1990. Trước đây, UBND huyện giao cho Công an huyện giữ, chốt chặn. Nhưng do điều kiện kinh tế và lực lượng mỏng nên Công an cũng không thể quản lý nổi. Nạn khai thác trái phép bùng nổ. Đến năm 2008 huyện bắt đầu đưa lực lượng liên ngành lên chốt chặn nhưng vẫn không ngăn được dòng người tứ xứ đổ về. Sau đó, huyện giao cho xã quản lý, nhưng nảy sinh nhiều bất cập, khiến tình hình thêm phức tạp. Đến đầu 2015, phòng TN&MT huyện có “sáng kiến” tham mưu huyện huy động lực lượng của 13 xã, thị trấn luân phiên nhau canh giữ 4 điểm, trong đó trọng tâm vẫn là 2 điểm khai thác thiếc Dương Hòa và Nước Oa. Đến nay, tình hình ổn định nhưng huyện lại đang phải chi nguồn ngân sách quá lớn để phục vụ công tác bảo vệ.

Theo ông Xuân, trong năm 2015 huyện đã huy động 120 lượt cán bộ, chiến sỹ thuộc lực lượng của 13 xã, thị trấn cùng 2 cơ quan huyện tham gia chốt giữ. Ngoài nguồn hỗ trợ 600 triệu đồng của tỉnh, năm 2015 huyện phải chi gần 1 tỷ đồng để phục vụ việc bảo vệ và truy quét. Đây thực sự là khó khăn đối với huyện, trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Cả huyện đi giữ vàng… đen ảnh 2

Phóng viên Tiền Phong mục sở thị khu vực mỏ “vàng đen” trên núi Hòn Bà.

Theo kế hoạch, năm 2016, huyện sẽ tiếp tục huy động lực lượng trên và nâng mức hỗ trợ lên 200.000 đồng/người/ngày. Tổng kinh phí dự kiến sẽ là hơn 1,2 tỷ đồng, chưa kể kinh phí cho công tác truy quét thường xuyên. Riêng trong đợt tết nguyên đán sắp tới phòng TN&MT sẽ đầu tư 20 triệu đồng để hỗ trợ anh em tại 4 điểm chốt chặn trong dịp tết để kịp thời khích lệ động viên tinh thần.

Cũng theo ông Xuân, nguồn kinh phí lớn đó vượt khả năng cân đối của huyện nghèo. UBND huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh và UBND tỉnh có đề nghị Bộ TN – MT sớm công bố toàn bộ các điểm khoáng sản phân tán nhỏ lẻ để lập thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý.  Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Bộ đồng ý. Nếu kéo dài tình trạng này, ngân sách của huyện Bắc Trà My sẽ không thể kham nổi. Trước mắt, để hạn chế thất thoát tài nguyên, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, cấp phép chế biến thiếc, tại khu vực mà huyện đã từng đề nghị. Việc cấp phép phải tính toán đến việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi khoáng sản.

 “Nếu cứ thế này, khoáng sản vẫn thất thoát và ngân sách tiếp tục tốn kém. Tôi e rằng, nếu kéo dài nữa, khi được cấp phép thì khoáng sản cũng chẳng còn”, ông Xuân lo ngại.

Tại các buổi làm việc với UBND huyện Bắc Trà My, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đồng tình với chủ trương xin cấp phép cho doanh nghiệp có năng lực vào khai thác để quản lý nguồn khoáng sản, tránh thất thoát và giảm gánh nặng cho địa phương. Tuy nhiên, đến nay tỉnh có đề nghị nhưng tất cả vẫn phải chờ ý kiến của Bộ.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.