Theo đó, địa phương có số ca nhiễm cao nhất vẫn là TP Quy Nhơn với 72 ca; tiếp theo là thị xã An Nhơn, huyện Vân Canh (20 ca); huyện Phù Mỹ, Tuy Phước (15 ca); thị xã Hoài Nhơn, huyện Tây Sơn (5 ca), huyện Phù Cát 13 ca và Hoài Ân 1 ca.
Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã ghi nhận 4.019 trường hợp mắc COVID-19; trong đó 2.500 trường hợp đã khỏi bệnh được xuất viện, 21 trường hợp tử vong, 1.498 trường hợp đang điều trị.
Theo kết quả đánh giá phân loại cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn cập nhật đến ngày 28/11, Bình Định hiện có 3 xã, phường nằm trong vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), gồm: xã Cát Thành (huyện Phù Cát), xã Canh Liên (huyện Vân Canh) và phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn).
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, căn cứ vào quyết định phân loại cấp độ dịch COVID-19 áp dụng các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh.
Ca bệnh tăng cao, Lâm Đồng lập thêm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19
Sáng 29/11, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 222 ca dương tính với SARS-CoV-2, cao nhất từ trước đến nay. Dẫn đầu là huyện Đức Trọng với 96 ca, TP Đà Lạt 36 ca, huyện Di Linh 35 ca…, trong đó có hơn 70 ca cộng đồng.
Cùng ngày, cơ quan chức năng ban hành thông báo khẩn tìm người đến 21 địa điểm nguy cơ liên quan đến các ca mắc COVID-19 mới tại TP Đà Lạt và huyện Bảo Lâm, bao gồm 2 phòng khám bệnh, 1 tiệm thuốc tây, 1 ngân hàng, 1 khu du lịch cùng nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn…
Đáng lưu ý, các địa điểm nguy cơ tại huyện Bảo Lâm liên quan dịch tễ của 15 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng tại các xã Lộc Thành, Lộc An, Lộc Thắng và Tân Lạc; trong đó có 4 nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch tại Lộc Thắng và Lộc An.
Một quán ăn tạm thời bị phong tỏa |
Ngay trong ngày, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định chuyển đổi công năng khu cách ly y tế tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng để thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cơ sở này tọa lạc tại địa chỉ Số 4, đường Trần Quang Diệu (phường 10, Thành phố Đà Lạt) với quy mô 60 giường bệnh, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Y tế TP Đà Lạt; sử dụng danh mục thuốc, vật tư y tế của Trung tâm Y tế TP Đà Lạt và khu vực điều trị người bệnh COVID-19 do Bộ Y tế ban hành.
Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã cấp mã cơ sở khám chữa bệnh cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng với phân tuyến kỹ thuật là tuyến huyện; hình thức tổ chức hoạt động của phòng khám đa khoa thuộc loại hình quản lý công lập.
Một khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 |
Lâm Đồng cũng cấp tốc thành lập thêm 16 khu cách ly tập trung tại các huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh. Huyện Đạ Huoai có 3 cơ cở cách ly tập trung không thu phí với tổng số 265 giường; huyện Đạ Tẻh có 12 cơ sở cách ly tập trung không thu phí với tổng số 661 giường và 1 cơ sở cách ly tập trung có thu phí với 17 giường.
UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Y tế chịu trách nhiệm về chuyên môn y tế tại khu cách ly, đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời, giao UBND các huyện này ra quyết định thành lập bộ máy lâm thời làm công tác quản lý khu cách ly tập trung theo quy định, chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự và các điều kiện cần thiết để tổ chức vận hành khu cách ly.