Trong số 273 ca mắc mới, có 9 trường hợp là người về từ ngoài tỉnh; 82 trường hợp là F1 được cách ly tập trung; 37 trường hợp ghi nhận trong khu phong tỏa và 145 ca mắc cộng đồng tại huyện Châu Thành (11), huyện Châu Thành A (12), TP Ngã Bảy (2), huyện Phụng Hiệp (86), TP Vị Thanh (27), huyện Vị Thủy (7).
Tính từ đầu đợt dịch (ngày 8/7/2021) đến nay tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận tổng số 5.639 ca mắc COVID-19; điều trị khỏi 2.823 ca; tử vong tại tỉnh 12 ca; chuyển tuyến điều trị 3 ca (đã tử vong 1 ca; 2 ca đã điều trị khỏi).
Toàn tỉnh đã tiêm 1.063.785 liều vắc xin COVID-19 cho 582.137 người (481.648 người đã tiêm đủ 2 mũi; 100.489 người mới tiêm 1 mũi), đạt tỷ lệ 95,97% trên tổng dân số tỉnh Hậu Giang từ 12 tuổi trở lên (606.586 người).
Nhiều ngày qua, mỗi ngày Hậu Giang ghi nhận từ 200 đến gần 400 ca mắc COVID-19, gây quá tải cho cơ sở điều trị tập trung tuyến tỉnh. Để ứng phó khi F0 tiếp tục gia tăng, các huyện/thị xã/thành phố đã khẩn trương thiết lập các cơ sở điều trị F0 không triệu chứng.
Tại huyện Châu Thành A, hôm qua (28/11) cơ sở điều trị F0 quy mô 250 giường của huyện đã tiếp nhận 126 bệnh nhân là những F0 không triệu chứng trên địa bàn huyện. Huyện đã bố trí lực lượng y, bác sĩ để chăm sóc bệnh nhân và bố trí trang thiết bị, thuốc hóa chất để đảm bảo công tác chăm sóc, điều trị. Bệnh nhân được theo dõi sức khỏe hàng ngày và sẽ được chuyển tuyến tầng 2 hoặc tầng 3 nếu tình trạng bệnh chuyển biến xấu hơn.
TP Ngã Bảy cũng đã đưa vào tiếp nhận F0 không triệu chứng tại cơ sở điều trị ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang (cơ sở 2) với quy mô 400 giường. Huyện Châu Thành cũng đưa vào sử dụng cơ sở điều trị F0 không triệu chứng tại cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện và 1 trường học với tổng công suất 200 giường bệnh cũng đã tiếp nhận bệnh nhân.
Ngoài ra, ở các huyện/thị xã/thành phố khác cũng đã chuẩn bị sẵn sàng khu điều trị F0 không triệu chứng để tiếp nhận F0 “Tầng 1” trên địa bàn với tổng quy mô trên 2.200 giường điều trị F0 không triệu chứng tại tuyến huyện.
Cơ sở điều trị F0 không triệu chứng tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: HD |
Khó khăn hiện nay là thiếu nhân lực y tế. Hiện nay tại TP Vị Thanh, Trung tâm Y tế chỉ có vài chục người chủ yếu là hoạt động với chức năng dự phòng, không giống như các huyện/thị xã/thành phố còn lại có lực lượng y, bác sĩ khối điều trị và ở bệnh viện. Số lượng giường bệnh điều trị F0 không triệu chứng tại Vị Thanh lại gần gấp đôi so với các đơn vị cấp huyện khác nên càng khó khăn.
Còn tại huyện Vị Thủy có 3 cơ sở điều trị COVID-19 cấp tỉnh, chủ yếu là nhân lực y tế của huyện đảm trách nên cũng gặp khó khăn. Khi triển khai cơ sở thu dung điều trị F0 không triệu chứng tại huyện, ngoài y bác sĩ ở Trung tâm Y tế sẽ điều động thay phiên mỗi kíp trực một bác sĩ ở trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, thị trấn, tập huấn chuyên môn cho lực lượng này. Về trang thiết bị, thuốc, hóa chất, oxy... huyện vẫn đảm bảo được, tuy nhiên cần mua thêm giường bệnh…
Theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, việc điều trị F0 tại nhà sẽ rất khó khăn trong khâu quản lý, chuyển cấp cứu… vì vậy khi còn khả năng tiếp nhận thì địa phương chưa để F0 điều trị tại nhà. Huyện Phụng Hiệp đã chuẩn bị 2 cơ sở điều trị F0 không triệu chứng với quy mô 300 giường. Nếu tình huống xấu hơn sẽ triển khai các khu điều trị tập trung ở tuyến xã.
Ông Trương Văn Khanh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang cho hay, thống nhất sẽ tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh triển khai trên phạm vi cả tỉnh phương án triển khai các khu điều trị tập trung ở tuyến xã nếu tình huống xấu hơn...