Bút danh Vũ Trọng Phụng từ mối tình với mẹ ông Khanh(?)

Bút danh Vũ Trọng Phụng từ mối tình với mẹ ông Khanh(?)
TP - Sau đây là một số câu chuyện của ông Khanh hiện gây bức xúc cho gia đình người con gái duy nhất của cố nhà văn. Trong đó, có chi tiết: “Trước mối tình cao cả, bố tôi đã lấy tên mẹ tôi làm bút danh”.

“Khi bố tôi được 8 tuổi thì vào học ở trường Tiểu học phố Hàng Vôi. Tại trường này, bố tôi ngồi cùng lớp với một người bạn gái tên Trần Thị Kim Phụng. Sau khi thi đậu bằng Tiểu học, bố tôi tròn 14 tuổi và làm đơn xin thi vào truờng Sư phạm Sơ Cấp, nhưng không may cho ông, kỳ thi ấy ông không trúng tuyển. Ông phải ở nhà ăn bám bà nội tôi...

Năm 1927, ông viết thường trực cho nhiều tờ báo. Ngoài ra, ông còn dịch một số tác phẩm của văn hào Pháp Victor Hugo. Cũng trong năm này, ông gặp lại người bạn gái cùng học ở trường Tiểu học phố Hàng Vôi tên Trần Thị Kim Phụng. Bố tôi và người bạn gái xinh đẹp đó đã kết hôn với nhau tại Hà Nội vào năm 1928.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 1930, mẹ sinh ra tôi tại quê nội của tôi, ngay trong nhà của ông bà nội tôi tại làng Hảo, thuộc huyện Đường Hào (bây giờ là Mỹ Hào), tỉnh Hưng Yên”.

Bút danh từ mối tình cao cả?

“Gia đình của mẹ tôi ở mãi trên tỉnh Tuyên Quang... Gia đình của ông ngoại tôi rất giàu có, trong khi gia đình của bà nội quá nghèo. (...) Trước mối tình cao cả đó, bố tôi đã lấy tên mẹ làm bút danh và lấy chữ Trọng làm tên đệm khi bắt đầu viết văn. Bút danh đó đã trở thành tên bất tử Vũ Trọng Phụng và khai sinh để chứng nhận tên Vũ Trọng Phụng là do tòa án Văn Học Sử Việt Nam chứng cấp.

Sự chia lìa bi thiết... và lấy “kế mẫu”?

“Ông bà ngoại tôi đã về Hà Nội gặp bà nội tôi vào năm 1934 để tìm hiểu về gia thế, cũng như điều kiện sống của chúng tôi như thế nào... Thấy chúng tôi quá sức cơ cực và nghèo túng, nhất là khi biết được bố tôi đang suy kiệt và gầy gò, ông bà ngoại liền bắt mẹ phải mang tôi về Tuyên Quang. (...)

Mẹ tôi đã khóc lóc, van xin đừng chia lìa bố mẹ tôi và bắt tôi phải xa bố... Cuộc dàn xếp bất thành, ông bà ngoại tôi vẫn không chịu nên mẹ tôi đã xuống tóc làm ni cô luôn.

Đến năm 1937, tình trạng sức khỏe của bố tôi đã sa sút rất nhiều, bà nội tôi muốn bố tôi phải cưới vợ khác để chăm sóc cho tôi. Bố tôi đã nghe lời bà nội tôi đi coi mắt một cô gái ở làng Vẽ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông bây giờ là Mọc Chánh Kinh, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, tên là Vũ Mỵ Lương.

Sau khi đi gặp cô gái làng Vẽ có tên là Vũ Mỵ Lương và biết rõ gia thế và nguyên nhân phải đổi ra họ Vũ của cô ấy, bố tôi nhận lời cưới cô ấy làm kế mẫu cho tôi.

Bà kế mẫu tôi nhuộm răng đen và có tật bẩm sinh nơi chân trái nên đi đứng rất khó khăn bởi vì một chân thấp, một chân cao... Đến năm 1938, kế mẫu tôi sinh hạ được một đứa con gái và bà nội tôi đặt tên cho nó là Vũ Mỵ Hằng...

Xuyên tạc đám tang của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Do lao tâm và lao lực quá sức bố tôi đã mắc phải chứng bệnh lao phổi và qua đời. Thời bấy giờ ai mắc phải bệnh lao đều bắt buộc phải chôn cất ngay trong một ngày. Bởi lẽ, đó mà đến 10 giờ trưa cùng ngày bà nội và kế mẫu tôi phải đem xác bố tôi đi chôn tại Nghĩa trang Quảng Thiện thuộc huyện Ngã Tư Sở, tỉnh Hà Đông.

Bây giờ, Nghĩa trang Quảng Thiện được nhà cầm quyền Hà Nội đổi tên là Nghĩa trang Mai Dịch, nơi dành riêng cho tất cả những danh nhân có tên trong Văn Học Sử Việt Nam và không ai được quyền dời những mộ phần này đi nơi khác (?)

Trần Minh
(Từ bài viết của ông Vũ Trọng Khanh trên vantuyen.net)

MỚI - NÓNG