'Búp sen xanh' xen giữa hai kịch bản phim

Cảnh phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Ảnh: K.N
Cảnh phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. Ảnh: K.N
TP - Năm 1978, nhà văn Sơn Tùng viết kịch bản phim truyện “Con đường năm ấy” kể về chặng đường đầu đi cứu nước của Bác Hồ. Tuy nhiên, việc làm phim về Bác là một vấn đề quá lớn nên cuối cùng “Con đường năm ấy” dừng lại ở khâu kịch bản.

Sau đó, nhà văn Sơn Tùng viết tiểu thuyết “Búp sen xanh” với một số tình tiết được phát triển từ “Con đường năm ấy”. Hiện kịch bản “Con đường năm ấy” vẫn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3. 

Từ câu chuyện ban đầu…

Sau khi bài báo “Búp sen xanh thời khốn khó” (số 257, ngày 14/9/2014) đăng, tôi trở lại nhà của nhà văn Sơn Tùng để biếu báo. Trong câu chuyện, anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn cho biết: Nói về “Búp sen xanh” thời khốn khó phải bắt đầu từ “Con đường năm ấy”. Ban đầu, câu chuyện được khởi nguồn là một kịch bản phim, về sau một số tình tiết của kịch bản được phát triển trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”, rồi sau này lại được dựng thành phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”...   

Câu chuyện về kịch bản “Con đường năm ấy” mà anh Định vừa cho biết khá mới mẻ. “Cha tôi từng kể với tôi về chuyện này. Hiện kịch bản “Con đường năm ấy” cùng nhiều tác phẩm khác của nhà văn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3”- anh Bùi Sơn Định cho biết. Rồi anh kể: Năm 1978, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác kịch bản của Xưởng phim truyện Việt Nam (nay là Hãng phim truyện Việt Nam), nhà văn Sơn Tùng quyết định viết câu chuyện về một chặng đường đi cứu nước của Bác Hồ. Tư liệu đã đầy đủ sau một thời gian dài say mê tìm hiểu về thời niên thiếu của Bác, nhưng do phải hoàn thiện nốt một tác phẩm làm dở dang trước đó nên Sơn Tùng đã chuyển toàn bộ tư liệu của mình nhờ nhà biên kịch Đào Xuân Tùng chấp bút trước.

Ông Đào Xuân Tùng từng là đồng tác giả kịch bản phim “Chung một dòng sông” (viết chung với Cao Đình Báu), bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam; và là đồng hương Nghệ An với nhà văn Sơn Tùng. Tuy nhiên, có lẽ do không trực tiếp đi sưu tầm tư liệu nên việc viết kịch bản của ông Đào Xuân Tùng gặp khó khăn. Sau khi hai tác giả hội ý và cùng thống nhất, nhà văn Sơn Tùng đã dỡ toàn bộ kịch bản để viết lại. 

Khi kịch bản phim hoàn thành, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (tác giả của các kịch bản phim nổi tiếng Trên vĩ tuyến 17, Biển gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu..) chịu trách nhiệm biên tập. Sau đó, kịch bản phim “Con đường năm ấy” được Xưởng Phim truyện Việt Nam thông qua và tiếp tục đưa cấp trên duyệt. Cuối cùng, do vấn đề quá lớn mà kịch bản chưa thể đảm đương nổi ở thời điểm đó, “Con đường năm ấy” phải dừng lại ở khâu kịch bản. “Day dứt với điều này, ba năm sau (tức 1981), nhà văn Sơn Tùng đã chuyển đường bút để viết tiểu thuyết “Búp sen xanh”, trong đó ông phát triển nhiều tình tiết chính mà trước đó đã sử dụng để viết nên kịch bản “Con đường năm ấy” - anh Bùi Sơn Định cho biết.

Kể tới đây, anh Bùi Sơn Định cho tôi xem cuốn “Búp sen xanh” nguyên gốc do nhà văn Sơn Tùng viết tay. “Nội dung cuốn sách này không khác gì so với “Búp sen xanh” đã xuất bản. Tuy nhiên, nếu có dịp đọc cuốn “Con đường năm ấy”, sẽ thấy một số tình tiết quan trọng được đề cập trong tiểu thuyết “Búp sen xanh” sau này”- anh Bùi Sơn Định cho biết.

Đến kịch bản “Con đường năm ấy”…

Theo lời kể của anh Bùi Sơn Định, tôi đến Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3 tìm đọc kịch bản văn học phim “Con đường năm ấy”. Một cán bộ có trách nhiệm của Trung tâm cho biết, do đây là tác phẩm của của cá nhân gửi, nên theo quy định phải có sự đồng ý của gia đình mới được tiếp cận với tác phẩm. Thế là tôi lại trở lại nhà của nhà văn để xin giấy giới thiệu. Anh Bùi Sơn Định đã thay mặt gia đình viết thư giới thiệu để tôi tiếp cận với các tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng.

'Búp sen xanh' xen giữa hai kịch bản phim ảnh 1 Bản gốc viết tay tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng.  

Sau khi xác minh đúng là do gia đình nhà văn giới thiệu, các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã lấy kịch bản phim truyện “Con đường năm ấy” để tôi tham khảo. Trang bìa kịch bản “Con đường năm ấy” ghi rõ nội dung viết về một chặng đường đi cứu nước của Bác Hồ, toàn bộ gồm 96 trang, tác giả Sơn Tùng và Xuân Tùng, biên tập Hoàng Tích Chỉ, cuối tác phẩm được ghi hoàn thành vào ngày 31/8/1978. Trang đầu còn có bút tích và chữ ký bàn giao tác phẩm của ông Hoàng Tích Chỉ vào ngày 10/5/1979.

Ngồi đọc kịch bản “Con đường năm ấy”, thấy đúng là tác phẩm có nhiều tình tiết mà sau này được thể hiện trong tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Đáng lưu ý, trong kịch bản có đính kèm nhận xét của Tổ Tư liệu về Hồ Chủ tịch, do ông Phạm Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Tư liệu (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương) ký.

Từ nội dung nhận xét, càng rõ thêm “Con đường năm ấy” có những nét chính được thể hiện sau này trong “Búp sen xanh”: “Theo chúng tôi, đây là kịch bản phim truyện đầu tiên nói về Bác Hồ. Tác gỉả đã bỏ ra khá nhiều công phu để sưu tầm tài liệu, tìm hiểu những phong tục tập quán, ngôn ngữ xứ Nghệ, Huế, Sài Gòn, Phan Thiết... cho nên khi thể hiện người ta dễ dàng chấp nhận ngay là tiếng nói đó, phong tục tập quán đó đúng là của địa phương đó. Về phía các nhà sử học, người ta cũng có thể chắt lọc, tìm thấy ở đây nhưng tư liệu quí… Về bố cục tác phẩm, chúng tôi thấy hợp lý. Tác giả chia làm 5 chương, chủ yếu nói về thời gian Bác ở Huế, Phan Thiết, Sài Gòn (trong đó có nhớ lại hồi còn ở quê)…”.

Về nhân vật Út Huệ yêu Người trước lúc xuống tàu được viết trong kịch bản, nhận xét cũng đưa ra những phân tích khách quan và kết luận: “Với góc độ văn học, theo chúng tôi, là có thể phản ánh được”. Cuối cùng, nhận xét chốt lại: “Chúc tác giả thành công”.

Sau khi làm thủ tục để được sao lại tờ bìa kịch bản “Con đường năm ấy”, tôi đến gặp nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ, một nhân chứng hiếm hoi còn lại từng biết câu chuyện năm xưa để hỏi chuyện. Ông Hoàng Tích Chỉ là nhà biên kịch điện ảnh Việt Nam đầu tiên vừa được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Cầm trong tay bản sao tờ bìa kịch bản “Con đường năm ấy” trong đó có bút tích của mình, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ bồi hồi cho biết: “Thời gian đó Xưởng phim tạo mọi điều kiện để hai tác giả viết kịch bản này, khắc họa một chặng đường đi cứu nước của Bác Hồ. Anh Sơn Tùng là một nhà văn đặc biệt, còn anh Đào Xuân Tùng là Trưởng phòng Biên tập của Xưởng phim truyện Việt Nam vừa mới nghỉ hưu. Khi đó, tôi là Trưởng phòng Biên tập thay anh Xuân Tùng nên chịu trách nhiệm biên tập kịch bản “Con đường năm ấy”. Đọc xong, tôi thấy đây là một kịch bản có chất lượng. Sau đó, kịch bản được trải qua nhiều khâu duyệt. Tuy nhiên, do tầm vóc của tác phẩm quá lớn nên cuối cùng “Con đường năm ấy” đã dừng lại ở khâu kịch bản”.

Trở lại ở “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”

Tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia 3, ngoài việc đọc “Con đường năm ấy”, tôi mượn thêm kịch bản phim truyện “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng. Nhớ lại chuyện anh Bùi Sơn Định kể bữa trước, năm 1981 nhà văn Sơn Tùng bắt tay vào viết tiểu thuyết “Búp sen xanh” dựa trên “Con đường năm ấy”, nhưng vẫn chưa nguôi ý định được thể hiện câu chuyện về một chặng đường đi cứu nước của Bác trên phim.

Và cơ hội đã đến vào năm 1987, nhà văn đã kết hợp với đạo diễn Long Vân để làm phim về Bác. Kịch bản “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” được nhà văn Sơn Tùng viết, chủ yếu dựa trên hai tác phẩm “Con đường năm ấy” và “Búp sen xanh”. Tuy nhiên đến khi phim hoàn thành vào năm 1990, vì những lý do khác nhau, bộ phim được đổi tên thành “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, tên nhân vật Út Huệ được đổi thành Vân, một số tình tiết trong kịch bản cũng được lược bớt.

Phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” được trình chiếu đã gây được tiếng vang lớn, tuy nhiên trong sâu thẳm lòng mình, nhà văn Sơn Tùng vẫn muốn xuất bản kịch bản phim “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” đã viết ban đầu. Nhưng nhà văn chưa thực hiện được điều này thì đổ bệnh. Anh Bùi Sơn Định cho biết: “Gần đây, tôi đã sưu tầm, biên soạn lại kịch bản “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” và đã gửi Nhà xuất bản Kim Đồng để tác phẩm này có cơ hội ra mắt bạn đọc trong tương lai. Kịch bản này cũng tương tự như kịch bản mà gia đình đã gửi và lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3”.

Anh Bùi Sơn Định đưa tôi xem một bản lưu kịch bản “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” đã gửi để xuất bản. Đáng lưu ý, phần đầu tác phẩm được tác giả viết thêm phần “Lời người viết”, mà khi đọc có thể hiểu một cách rõ nét tình cảm của nhà văn Sơn Tùng với Người Cha Già của dân tộc. Xin trích ra đây vài đoạn trong “Lời người viết” như một sự lý giải cụ thể nhất vì sao bao nhiêu năm nay nhà văn vẫn trăn trở với việc làm phim về Bác: 

“Tôi mạnh viết truyện phim về một chặng đường đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch với lòng thành kính và biết ơn.

… Với lòng kính yêu lãnh tụ, tôi thường đến viếng thăm, chiêm ngưỡng nơi đã sinh ra Người, nuôi nấng Người lúc ấu thơ. Tôi đã mon men hỏi các cụ già có biết ít nhiều về thời niên thiếu của Người. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm là chị ruột, anh ruột của Hồ Chủ tịch đã coi tôi như con cháu mà kể cho nghe dăm ba mẩu chuyện về cảnh nhà trong những năm ba chị em còn đang bé bỏng…

Những mẩu chuyện ấy đã như hạt giống mùa đầu gieo vào mảnh đất tình cảm của tôi và ngày một nảy nở!

… Tôi viết kịch bản này bằng cả trái tim yêu Bác. Người Việt Nam ai cũng yêu Bác. Nhưng chẳng ai dám tự cho mình là người yêu Bác hơn ai… Tôi yêu Bác mà đã nhớ được, ghi chép được dăm ba mẩu chuyện nho nhỏ về cuộc đời vĩ đại của Người. Tôi viết lại những mẩu chuyện nho nhỏ ấy với lòng thành: Góp phần kể về đời hoạt động của Vị Cha Già Dân Tộc”.

MỚI - NÓNG