Búp sen xanh, ngày càng “xanh”

Búp sen xanh, ngày càng “xanh”
TP - Bây giờ, sau hơn một phần tư thế kỷ được ấn hành, Búp sen xanh đã trở thành một trong những cuốn sách đạt lượng ấn bản kỷ lục ở nước ta với số lượng trên nửa triệu bản qua hơn 20 lần tái bản.

Trong cuộc đời của mỗi người không thể thiếu những cuốn sách gối đầu giường, những cuốn sách đi suốt theo năm tháng và trở thành tấm gương soi chiếu vào mọi ý nghĩ, mọi việc làm, góp phần hình thành nên nhân cách.

Búp sen xanh là một trong những cuốn sách như vậy đối với nhiều người. Nhà văn Sơn Tùng không phải là một tác giả chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng chỉ với một cuốn này, dựng lên hình tượng Bác Hồ từ khi được sinh ra đến khi rời bến nhà Rồng, đi tìm đường cứu nước, đã để lại dấu ấn cho biết bao tâm hồn.

Và điều đặc biệt là cuốn sách không chỉ được các em nhỏ đón nhận, mà cả người lớn, những người ở tầng lớp khác nhau từ người dân bình thường đến những trí thức, những nhà khoa học, những nhà cách mạng có tên tuổi nhiệt liệt hoan nghênh.

Những năm gần đây, Búp sen xanh được đưa vào tủ sách vàng của nhà xuất bản Kim Đồng, được tái bản một năm vài ba lần. Búp sen xanh cũng được dịch sang tiếng Anh và in song ngữ. Ở hầu khắp các hiệu sách từ bắc đến nam, những trung tâm du lịch văn hoá, những khu di tích Bác Hồ bao giờ cũng có sách Búp sen xanh bày bán như một món quà thiêng lưu niệm.

Chưa bao giờ mà một cuốn sách văn học lại trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nghệ sỹ và nhà nghiên cứu đến thế. Trước hết, nó được tác giả chuyển thể thành kịch bản Cuộc chia ly trên bến nhà Rồng, rồi được sản xuất thành phim truyện Hẹn gặp lại Sài Gòn do nghệ sỹ Long Vân làm đạo diễn.

Tác phẩm này trở thành một bộ phim lịch sử hoành tráng trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt nhân dân Việt Nam trao tặng cho nhân dân Ấn Độ.

Cũng dịp đó, họa sỹ Lê Lam đã chuyển Búp sen xanh thành truyện tranh mang tên Từ làng Sen. Cuốn truyện tranh này khá nổi tiếng và được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành với 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Trung Quốc, Lào.

Búp sen xanh lại được nghệ sỹ - nhà nghiên cứu Mịch Quang đưa lên sân khấu tuồng với tên gọi Cậu bé làng Sen. Nhạc sỹ Thuận Yến thì có lần nói rằng chính Búp sen xanh đã là nguồn tư liệu và khởi nguồn của cảm hứng để ông viết nên ca khúc nổi tiếng Miền trung nhớ Bác.

Búp sen xanh cũng được chuyển thể thành văn vần. Hiện nay đã có 7 tác giả chuyển thành truyện thơ với nhiều tên gọi khác nhau. Trong số đó có 4 cuốn đã xuất bản là: Diễn ca Búp sen xanh (tác giả Lê Xuân Hãng); Nhụy vàng hương sen (tác giả Hoàng Trang);  Ngó sen (NXBTN, tác giả Đức Thục);  Hương sen (NXB Hà Nội, tác giả Hồ Nam).

Tại sao Búp sen xanh lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy?

Đã 30 năm trôi qua từ ngày nhà văn Sơn Tùng đặt bút viết tác phẩm này, nhưng những biến động xã hội, những luồng tri thức khổng lồ được sản sinh ra hàng ngày không làm cho cuốn sách bị cũ đi.

Căn nhà bé nhỏ của ông ở ngõ Văn Chương không bao giờ vắng khách đến để nghe chuyện về Bác Hồ, thậm chí có người tìm mua Búp sen xanh rồi tìm đến xin nhà văn một chữ ký để giữ làm kỷ vật trong đời.

Không những thế, Búp sen xanh còn được đón đợi nhiều hơn ở những miền đất xa xăm, vượt qua nhiều biên giới để đến với những tâm hồn đồng điệu. Các học giả trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật, Pháp, Hàn Quốc… vì Búp sen xanh mà đã tìm đến nhà văn Sơn Tùng để tìm hiểu thêm về Bác Hồ, nhiều nhà báo, đạo diễn điện ảnh cũng đến đây để tìm hiểu thêm tư liệu.

Năm 1982, khi Búp sen xanh vừa phát hành (và sau đó được trao giải đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi) đã có những ý kiến “này nọ”.

Học giả Nguyễn Khắc Viện đã nói rõ quan điểm của mình trong một bài viết ngắn: “Tôi chấp nhận tất cả những “thiếu sót”, quý hồ tác phẩm làm cho tôi nhớ đến Bác, gần gũi thêm với Bác, và gạn lọc rồi, để lại cho tôi một cảm xúc trong sáng. Đó chính là cảm xúc khi gập lại trang cuối cùng của Búp sen xanh”.

Chuyện đã đến tai Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông đã đọc và mời nhà văn lên trò chuyện. Thủ tướng còn đích thân viết lời tựa cho cuốn sách này. Thủ tướng nhấn mạnh “Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không?”.

Và ông cũng nói “Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”. Lời tựa ngắn gọn, đầy trí tuệ đó của thủ tướng mãi đến hơn 20 năm sau mới in được.

Và cuốn Búp sen xanh đến thời điểm đó đã trở thành cuốn sách được nhân dân thừa nhận. Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ít người đã chọn Búp sen xanh để đọc và kể lại trong các kỳ thi.

Ở trang bìa của cuốn Búp sen xanh thường in một lời đề từ ngắn gọn của nhà văn: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”.

Cái nhìn biện chứng giữa con người và truyền thống lịch sử đã giúp nhà văn không chỉ miêu tả thành công một tính cách sinh động thuở hình thành nhân cách vĩ nhân mà còn đưa người đọc trở về với những dấu ấn nóng bỏng của một giai đoạn, những phong tục, tập quán, những nét văn hóa cao đẹp của một thời.

Nhà văn Sơn Tùng “thấy cây và thấy cả rừng”, thấy quả và thấy cả nhân, thấy cái vĩ đại nhưng cũng thấy cả những nét bình thường, gần gũi của Bác Hồ. Vì thế qua cuốn sách tác giả vừa xây dựng thành công được một hình tượng điển hình vừa khắc dựng được những bối cảnh mang tính hoành tráng.

Đọc cuốn sách người ta không chỉ thấy Nguyễn Tất Thành là kết tinh của một nền văn hóa mà còn thấy rõ lớp người trước, lớp người sau và những khát vọng cuộn sóng của cả một dân tộc đang dò dẫm đi tìm con đường giải phóng cho chính mình.

Suốt hơn một phần tư thế kỷ Búp sen xanh là cuốn sách sinh động nhất có thể đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc về thời thơ ấu và thời thanh niên của Bác Hồ.

Hàng triệu người đã lớn lên với thần tượng Nguyễn Tất Thành với những cử chỉ, những lời nói, và hành động do nhà văn Sơn Tùng tái hiện. Với tư cách một tác giả, có lẽ nhà văn Sơn Tùng là một trong những người hạnh phúc hiện nay khi tác phẩm của ông liên tục được ấn hành, truyền bá và phát huy tác dụng cải tạo xã hội, để lại những dấu ấn tích cực trong tâm hồn bạn đọc.

Trong một nền văn học luôn có những khuynh hướng khác nhau. Mỗi nhà văn luôn theo đuổi những mục đích của đời mình trong sáng tác. Nhà văn Sơn Tùng có một mục đích rõ ràng là qua những tác phẩm của mình để làm sống lại hình tượng những người anh hùng dân tộc và cả một nền luân lý của tổ tiên.

Tác phẩm của ông là một sự kết tinh những tư tưởng, tình cảm cao đẹp của người Việt. Ông chú trọng đến sức mạnh của “sự noi gương”, đưa văn học góp phần cải tạo xã hội...

Cả đời nhà văn Sơn Tùng là sự phấn đấu hết mình. Vượt qua thương tật hiểm nghèo, vượt qua thiếu thốn, vượt qua những hạn hẹp của những nếp nghĩ một thời để sống và viết.

Ông đã sống đẹp để có những trang viết đẹp, với một tâm niệm “hành thiện cả một đời vẫn chưa đủ”. Lúc nào ông cũng hướng về bạn đọc, cũng tin tưởng cái đẹp sẽ cứu vớt, nâng đỡ con người. Hàng ngàn trang viết của ông đã ra đời giữa những cơn đau quằn quại do vết thương chiến tranh, giữa những năm tháng tưởng chừng nhiều chuẩn mực đạo đức và lý tưởng xã hội chao đảo.

Nhà văn vẫn trụ vững qua những cơn lốc xoáy thời thượng, kiên định trên con đường đã chọn, truyền lại cho đời sau đạo nghĩa và khí phách ông cha. Búp sen xanh là sự thể hiện tập trung những tư tưởng và tình cảm đó của nhà văn. Nó sẽ còn được bạn đọc gìn giữ như hành trang quý giá trên con đường phục hưng dân tộc, xây dựng nền văn hóa, xây dựng nhân cách con người.

Hà Nội ngày 10/5/2008

MỚI - NÓNG