Bước tiến dài trong tư duy lãnh đạo Mỹ với Việt Nam

Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi lưu niệm khi tới thăm Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi lưu niệm khi tới thăm Nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: TTXVN
TP - Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ đối với Việt Nam, các quan chức ngoại giao và học giả Việt Nam nhận định ngày 25/5.

Thăm Việt Nam từ ngày 23 đến 25/5, Tổng thống Barack Obama cũng tạo nên dấu ấn riêng đậm nét trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt - Mỹ và xây dựng một hình ảnh rất tích cực trong mắt người dân Việt Nam.

Ngày 25/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao - Học viện Ngoại giao, nói rằng, kết quả chuyến thăm rất tốt đẹp, nổi bật lên thông điệp về hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng nhau gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Nhìn chung, cả những kết quả nhìn thấy được và không nhìn thấy được đều rất tích cực, ông Thái nói.

Sáu kết quả nổi bật

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều 25/5, sau khi tiễn Tổng thống Obama về nước, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, chuyến thăm kết thúc thành công với 6 kết quả nổi bật.

Về chính trị - ngoại giao, hai bên ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường quan hệ đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững. Tuyên bố chung tái khẳng định cam kết của hai bên trong việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Tổng thống Obama khẳng định, dù chính quyền mới là của đảng nào, chính sách đối với Việt Nam sẽ được tiếp tục.

Về kinh tế, kết quả đáng chú ý nhất là hai bên nhất trí cao lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ hai nước thời gian tới. Chủ trương này được minh chứng bằng những thỏa thuận kinh tế lớn với trị giá lên tới 16,3 tỷ USD mà hai bên đạt được nhân chuyến thăm trong lĩnh vực hàng không và điện gió. 

Tổng thống Obama khẳng định quyết tâm thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2016; đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để triển khai có hiệu quả hiệp định này; tiếp tục mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa Việt Nam, xem xét thuận lợi hóa việc nhập xoài, vú sữa…

Về quốc phòng - an ninh, Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Như vậy, tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh đã được loại bỏ.

Việt Nam và Mỹ đã ký Thư thỏa thuận về hỗ trợ trong lĩnh vực thực thi pháp luật và tư pháp. Hai bên nhất trí gia tăng hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển, cứu hộ, cứu nạn, ưu tiên cao hơn cho hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh.

Tổng thống Obama cam kết Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam để xử lý chất độc dioxin tại sân bay Biên Hòa sau khi hai bên đã thành công trong dự án tương tự ở sân bay Đà Nẵng, đồng thời hỗ trợ rà phá bom mìn.

Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp xử lý các thách thức chung ở khu vực và toàn cầu, bao gồm các vấn đề liên quan biển Đông, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… Hai bên khẳng định lại lập trường về vấn đề biển Đông đã nêu trong Tuyên bố Sunnylands của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ hồi tháng 2.

Hai bên còn thống nhất được một số nội dung quan trọng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và y tế.

Dỡ bỏ cấm vận vũ khí có tính tượng trưng

Đánh giá về ý nghĩa của việc Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói rằng, hơn 20 năm sau khi hai bên tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1995), sự tồn tại của một lệnh cấm vận, di sản của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, là điều bất bình thường. 

Việc Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận này là một bước tiến quan trọng, như ông Obama nói trong cuộc gặp lãnh đạo cấp cao Việt Nam, đó là sự phát triển tự nhiên trong hợp tác Việt - Mỹ. 

Quyết định này cho thấy quan hệ Việt - Mỹ đã được bình thường hóa với đúng nghĩa của nó, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên, trong đó có hợp tác quốc phòng, góp phần xây dựng lòng tin giữa hai nước. Đối với Việt Nam, quyết định này sẽ giúp đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, trang thiết bị quân sự.

“Tôi muốn nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là hòa hiếu, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và pháp lý. Mục đích của nước ta tăng cường năng lực quốc phòng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Phòng vệ là quyền chính đáng của các quốc gia được luật pháp quốc tế quy định rõ. Tôi tin diễn biến mới này sẽ đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới”, Thứ trưởng nói.

TS Trần Việt Thái cho rằng, trước mắt, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương có tính chất tượng trưng là chính. Đó là quyết định của phía Mỹ trên cơ sở thảo luận, trao đổi, bàn bạc và tính toán kỹ. 

Điều đó trước hết phục vụ cho các lợi ích của Mỹ, nhất là giới doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Nhưng ở đây còn có ý nghĩa rằng, Tổng thống Obama để lại dấu ấn cá nhân trong việc đóng góp cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Không có chuyện cho Mỹ mở căn cứ

Trong chuyến thăm này, hai bên cũng ký Ý định thư về Sáng kiến lưu trữ thiết bị y tế và nhân đạo. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi về một địa điểm lưu trữ trang thiết bị y tế, giường, lều bạt, thuốc men, dụng cụ cứu hộ phục vụ các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai, dịch bệnh...  “Tuyệt nhiên đây không phải là căn cứ và không có sự hiện diện của nhân viên Mỹ”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định.

Hai bên đạt được một số thỏa thuận hợp tác về giáo dục - đào tạo, trong đó có việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam với mục tiêu trở thành đại học chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế. Hai bên ký thỏa thuận khung về việc Việt Nam cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh ở Hà Nội và TPHCM trong khuôn khổ Chương trình Hòa bình…

Về ý nghĩa của những thỏa thuận này, ông Ngọc nói rằng, Chương trình Hòa bình là một chương trình lớn của Chính phủ Mỹ, được Quốc hội cấp ngân sách để thực hiện việc cử tình nguyện viên tới các nước trên thế giới thực hiện một chương trình phong phú, trong đó có dạy tiếng Anh. Hiện có 141 quốc gia trên thế giới tiếp nhận chương trình này, ở khu vực có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar…

Trong chuyến thăm chính thức Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005, phía Mỹ đã đề nghị cho phép tình nguyện viên vào Việt Nam. Qua một thời gian dài trao đổi, thương lượng, đến nay hai nước ký Hiệp định khung cho phép các tình nguyện viên thuộc chương trình này vào dạy tiếng Anh ở Hà Nội và TPHCM. 

Hiệp định khung quy định rõ các tình nguyện viên phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, không có bất cứ hoạt động nào xâm hại an ninh Việt Nam và chịu sự quản lý của cơ quan hữu quan Việt Nam. Để triển khai, hai bên cần tiếp tục đàm phán để đạt thỏa thuận thực thi với các nội dung cụ thể, ví dụ số lượng tình nguyện viên, chương trình giảng dạy, ở cơ sở nào…

TS Thái nhấn mạnh ý nghĩa của việc Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề mang dấu ấn cá nhân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nhằm giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long và sinh kế của hàng chục triệu người dân. 

Ngoài ra, những ngành công nghiệp mới như điện gió sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Đặc biệt, với lòng tin chính trị ngày càng cao và cam kết chính trị ngày càng lớn, doanh nghiệp Mỹ sẽ có thêm niềm tin và cơ hội để kinh doanh cũng như dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam.

“Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi”

Chia sẻ về ấn tượng cá nhân đối với chuyến thăm của ông Obama, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói rằng, có thể nói chuyến thăm đã thành công với cả khách mời và chủ nhà. 

Tổng thống Obama và đoàn cấp cao Mỹ rời Việt Nam với sự trân trọng, ấn tượng tốt đẹp về nội dung, chương trình làm việc, đặc biệt là các cuộc gặp và trao đổi rất hiệu quả với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam với tinh thần tôn trọng lẫn nhau, sự đón tiếp trọng thị mà phía Việt Nam dành cho đoàn, cũng như sự mến khách của người dân Việt Nam.

“Trước khi lên máy bay rời Việt Nam, Tổng thống Obama đặt tay lên trái tim mình và nói: ‘Tôi thực sự xúc động. Tình cảm của nhân dân Việt Nam đã lay động trái tim tôi. Tôi cảm thấy gần gũi với đất nước này hơn bao giờ hết’”, Thứ trưởng kể.

Đối với quan hệ Việt - Mỹ, đây là cột mốc mới trên con đường hai nước thực hiện Tuyên bố tầm nhìn chung tháng 7/2015 trong chuyến thăm Mỹ mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đối với phía Mỹ, chuyến thăm thể hiện bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Mỹ đối với Việt Nam kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2006 của Tổng thống George Bush. Đó là sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng lãnh đạo Việt Nam, tôn trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc - danh nhân được UNESCO tôn vinh, thông qua việc Tổng thống Obama thăm Nhà sàn Bác Hồ…

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.