Bước lùi

Bước lùi
TP - Sau những cuộc thảo luận kéo dài suốt đêm 20 và cả ngày 21/2, cuối cùng chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych và phe đối lập đã ký thỏa thuận sơ bộ nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 3 tháng qua tại quốc gia Đông Âu này.

Những nội dung quan trọng nhất của thỏa thuận vừa được ký kết bao gồm: Khôi phục Hiến pháp 2004, theo đó hạn chế đáng kể quyền lực của Tổng thống và tăng thêm quyền cho cơ quan lập pháp; tổ chức bầu cử Tổng thống trước thời hạn trong năm 2014.

Nhìn vào các nội dung cam kết và việc các Ngoại trưởng Đức, Pháp, Ba Lan đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận này, có thể kết luận: chính quyền Kiev đã chấp nhận nhượng bộ – điều khiến Nga quan ngại.

Mỹ và EU – vốn công khai ủng hộ phe đối lập Ukraine trong suốt 3 tháng khủng hoảng vừa qua, có lẽ đã tạm hài lòng với những cam kết này. Washington và Brussels, đặc biệt là Brussels, không dại gì muốn căng thẳng ở Ukraine leo thang thành xung đột hay tệ hơn là một cuộc nội chiến.

Một Ukraine yên ổn đã và sẽ là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của khối này. Cái mà Mỹ và EU muốn làm là dạy cho chính quyền Kiev một bài học vì đã chọn hướng đi sai. Những gì mà các thế lực bên ngoài mong muốn là xây dựng một chính quyền thân phương Tây.

Nhưng sự hài lòng của các nước ủng hộ phe đối lập không có nghĩa lực lượng này đã giành chiến thắng. Với cái cớ phát động biểu tình là lựa chọn hướng Đông của Tổng thống Yanukovych, mưu đồ của phe đối lập là lật đổ chính quyền hiện tại bằng cách kích động bạo động và đặt ra yêu sách.

Tuy nhiên, điều kiện họ đặt ra khi đã ký vào thỏa thuận do chính phủ đề xuất chỉ là miễn nhiệm Bộ trưởng nội vụ và thay Tổng tư lệnh, chứ không hề đả động đến yêu cầu Tổng thống Yanukovych phải từ chức. Có thể là do sức ép từ những nhà tài trợ, cũng có thể do sức ép từ phía dư luận sau những đổ máu mà đất nước vừa phải trải qua, đặc biệt trong bối cảnh phía chính quyền liên tiếp có những bước lùi.

MỚI - NÓNG